600 triệu trẻ em có nguy cơ tử vong và bệnh tật do thiếu nước
Dân số thế giới ngày càng đông kéo theo nhu cầu nước uống tăng cao là nguyên nhân khiến lượng nước uống cung cấp cho mỗi người giảm đi một nửa vào năm 2050. Bên cạnh đó, nhiệt độ tăng cao dẫn tới biến đổi khí hậu khiến tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Dân số thế giới tăng nhanh là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu nước nghiêm trọng trong những năm tới.
Báo cáo mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cảnh báo, tới năm 2040, cứ 4 trẻ em trên thế giới sẽ có 1 trẻ bị tử vong do suy dinh dưỡng hoặc thiếu nước uống.
Báo cáo, được công bố nhân ngày Nước Thế giới, đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm trong một vài thế kỷ tới, trong đó dân số tăng cao, nhu cầu nước cũng tăng theo, mực nước biển dâng cao và hạn hán trở nên thường xuyên hơn.
Hiện đã có 36 quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt tình trạng thiếu nước nặng,
Mỗi ngày có hơn 800 trẻ em dưới 5 tuổi chết vì bệnh tiêu chảy mà nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu nước sạch và vệ sinh kém. Thiếu nước sạch và vệ sinh kém cũng là nguyên nhân khiến 156 triệu trẻ em dưới 5 tuổi thế giới bị suy dinh dưỡng.
Nhiều khu vực ở Trung Đông và châu Phi đang phải vật lộn đối phó với hạn hán khắc nghiệt. Gần 1,4 triệu trẻ em ở những khu vực này đang đối mặt nguy cơ tử vong do suy dinh dưỡng nặng khi nạn đói hoành hành tại đây. Chỉ tính riêng Ethiopia, hơn 9 triệu người đã không tiếp cận được nguồn nước uống an toàn trong năm 2017.
Dân số tăng kéo theo nhu cầu nước tăng theo đồng nghĩa với việc số lượng nước cung cấp cho mỗi người trên hành tinh chúng ta bị giảm xuống 50% vào năm 2050. Tuy nhiên, khí hậu ấm lên khiến lượng nước bị bốc hơi cũng tăng cao, trong khi lượng nước mưa lại giảm tại nhiều khu vực, chẳng hạn như Trung Đông, khiến nước càng trở nên khan hiếm hơn, báo cáo của UNICEF cảnh báo.
Nhiệt độ tăng cao cũng gây tác động xấu tới nguồn nước khi nó tạo ra một môi trường thích hợp cho vi khuẩn, động vật nguyên sinh, nấm mốc phát triển - nguyên nhân gây ra bệnh tật và tử vong ở trẻ em.
Nước biển dâng cao khiến nguồn nước uống bị xâm nhập mặn và không thể sử dụng phục vụ cho sinh hoạt. Những khu vực trũng thấp và những hòn đảo nhỏ - nơi có khoảng 25% dân số thế giới đang sinh sống - bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hiện tượng này.
Báo cáo nhấn mạnh, nếu chúng ta không hành động ngay lúc này, số lượng trẻ em đối mặt nguy cơ tử vong, bệnh tật và suy dinh dưỡng sẽ chưa dừng lại ở những con số nói trên và một cuộc khủng hoảng nước lan rộng là điều không thể tránh khỏi.
Các nước cần ưu tiên cung cấp nguồn nước sạch cho những đối tượng trẻ em dễ bị tổn thương nhất, tăng cường năng lực cho các cơ sở dự trữ nước, hạn chế các yếu tố rủi ro đối với nguồn nước, phối hợp với cộng đồng dân cư nhằm ngăn chặn tình trạng xâm nhập mặn…
Hồng Hà (Theo Independent)