Nhạc công truyền thống Bình Ðịnh trước Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc: Nỗ lực cho “cơ hội vàng”
Góp mặt tại Liên hoan, Nhà hát tuồng Đào Tấn (NHTĐT) sẽ trình diễn “Đất Võ lửa thiêng”, Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định (ĐCKBC BĐ) biểu diễn “Giai điệu miền Đất Võ”.
“Mang chuông đi đánh xứ người”
“Đất Võ lửa thiêng” của NHTĐT gồm 6 tiết mục: 4 hòa tấu “Liên khúc các bài bản nhạc tuồng”, “Hội xuân Đất Võ”, “Ánh sáng lửa thiêng”, “Những chàng trai Tây Sơn” và 2 độc tấu “Vượt sóng ra khơi” (dàn trống - Trung Nghĩa biểu diễn), “Hành khúc Tây Sơn” (kèn - Quang Hiếu thể hiện).
“Giai điệu miền Đất Võ” của ĐCKBC BĐ gồm 7 tiết mục, phong phú hơn về hình thức trình diễn. Cụ thể, hòa tấu có 2 tiết mục: “Hào khí Đất Võ”, “Trăm năm nhịp điệu bài chòi”; 2 tiết mục song tấu: “Ngẫu hứng Hò giã vôi” (đàn nhị), “Bóng dừa tuổi thơ” (đàn tranh - sáo trúc) và 3 tiết mục độc tấu: “Đá chờ chồng” (đàn bầu - Anh Bình trình diễn), “Kể chuyện Thoại Khanh” (đàn nguyệt - Công Sơn trình diễn), “Tiếng vọng” (đàn nhị - Văn Hiệp trình diễn).
Theo nghệ sĩ Đào Trung Nghĩa - chỉ huy dàn nhạc của NHTĐT, “Đất Võ lửa thiêng” là một chương trình có bố cục chặt chẽ, thông điệp sâu sắc. 6 tiết mục độc lập về nội dung trong chỉnh thể một chương trình vừa giới thiệu được những nét đặc trưng của nhạc tuồng Bình Định cổ và có kế thừa, nâng cao; vừa phục vụ tô đậm cho nội dung chủ đề: giới thiệu, ca ngợi về vùng đất Bình Định đầy hào khí.
“Nét đặc trưng, thế mạnh độc đáo nhất của nhạc tuồng Bình Định là chất bi hùng. 6 tiết mục được chọn thể hiện rõ nét và quảng bá về nét riêng này của nhạc tuồng Bình Định”, nghệ sĩ Trung Nghĩa cho biết.
Còn NSƯT Đinh Văn Nhân - chỉ huy dàn nhạc của ĐCKBC BĐ chia sẻ, quan điểm trong xây dựng chương trình tham gia Liên hoan của Đoàn là giới thiệu những nét cổ, đặc sắc nhất của nhạc bài chòi Bình Định - xứng đáng là bộ phận cấu thành, góp phần đưa Nghệ thuật bài chòi trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. “Cơ cấu chương trình có nhạc cổ và sáng tác mới (dựa trên nhạc cổ), qua đó cho thấy tinh hoa, sức sống và bước kế thừa, phát triển của nhạc bài chòi Bình Định”, NSƯT Đinh Văn Nhân cho hay.
Nỗ lực cho “cơ hội vàng”
Liên hoan được tổ chức định kỳ 2 năm/lần, là “cơ hội vàng” cho nhạc công truyền thống, mở ra cơ hội tích lũy thành tích nghệ thuật, làm tiền đề cho việc tham gia xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND.
Bộ VH-TT&DL tổ chức Liên hoan này lần đầu năm 2004 cũng xuất phát từ sự thiệt thòi của nhạc công, khi diễn viên có những cuộc “sát hạch chuyên môn” (các hội thi, hội diễn, liên hoan cho từng loại hình) để tích lũy thành tích nghệ thuật, thì sân chơi tương tự cho nhạc công chưa có.
Liên hoan không chỉ là cơ hội khẳng định tài năng nghề nghiệp, đây cũng là dịp để họ có trải nghiệm mới mẻ, đầy cảm xúc trong vai trò nghệ sĩ biểu diễn độc lập, thực thụ. Bởi, khác với đồng nghiệp ở các nhạc viện hay đoàn ca múa nhạc, âm nhạc sân khấu là để phục vụ cho vở diễn, vị trí của nhạc công là ở hố nhạc, đệm đàn cho diễn viên hát. Họ chỉ cần mẫn đánh trống, đàn, thổi sáo, kèn… và gần như không có sự tương tác với khán giả, vậy nên phong cách trình diễn trên sân khấu hầu như không có.
“Cũng vì đặc thù nghề nghiệp của nhạc công sân khấu mà ở những lần Liên hoan đầu, chỉ có nhạc công ở các nhạc viện, đoàn ca múa nhạc tham gia, còn nhạc công sân khấu vắng bóng. Việc thay đổi từ “vai phụ” đến xuất hiện trên sân khấu, biểu diễn trước khán giả… là việc rất khó khăn, mới mẻ đối với nhạc công sân khấu. Tuy nhiên, anh em làm nhạc sân khấu chúng tôi vẫn hay nói đùa mà thật, rằng “2 năm mới được lên sân khấu 1 lần”, ngoài tài năng chơi nhạc, nhạc công truyền thống phải làm sao để có phong cách trình diễn thu hút, lôi cuốn thật tốt thì mới mang lại kết quả cao”, với kinh nghiệm nhiều năm làm giám khảo tại Liên hoan trên, NSƯT Gia Thiện - nguyên Phó Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn, chia sẻ.
SAO LY