Ðiệu xoang của người Bana và sinh hoạt cộng đồng
Với người Bana, nhảy múa thường đi liền với những hình thức hoạt động cộng đồng, điển hình là lễ - hội. Xoang là những hình thức múa tập thể có từ lâu đời.
Xoang của người Bana có 2 loại đó là xoang nghi thức và xoang tự do. Điệu xoang tiến hành trong khi đang thực hiện những nghi lễ của lễ hội thì gọi là xoang nghi thức. Còn xoang tự do là xoang có sự tham gia tùy hứng của các thành viên khác trong cộng đồng. Về cơ bản, xoang tự do cũng giống như xoang nghi thức ở nhịp điệu, động thái, chỉ khác ở chỗ người tham dự có thể tự do bộc lộ tình cảm của mình trong vũ điệu bằng kỹ thuật cá nhân, tùy hứng, không phụ thuộc nhiều vào đội hình múa nói chung. Xoang tự do thường bắt đầu khi phần nghi thức tế lễ đã xong, lễ hội bắt đầu chuyển sang phần hội.
Điệu xoang của người Bana xã Bok Tới trong lễ mừng nhà rông mới. Ảnh: VÕ CHÍ HÀ
Trong đội hình xoang thường có lực lượng múa bằng tay, chân, và dàn cồng chiêng, trống đan xen. Ở đó, người múa nam thực hiện những vận động khỏe, tạo hình độc đáo, thi thoảng có sự thay đổi đột ngột về tốc độ và cường độ. Người múa nữ vẫn thực hiện những động tác mượt mà, trau chuốt, uốn lượn mềm mại.
Đôi khi hứng khởi người múa nữ cũng thể hiện những động tác khỏe khoắn, cường độ cao và những nụ cười giao duyên. Dàn cồng chiêng và trống nhạc bao giờ cũng đi thành một nhóm xen vào giữa đội hình múa, phụ họa với người múa bằng những tiết tấu nhịp chiêng, nhịp trống, bằng những bước di chuyển nhịp nhàng và nhiều cảm hứng.
Anh Đinh Văn Ngớp, cán bộ VHTT xã Bok Tới, cho biết: Ở đồng bào Bana, với những lễ hội có tính chất khác nhau, vũ điệu xoang có những biến đổi về đội hình, nhịp điệu, tiết tấu. Khi đó, tên gọi của điệu xoang được gắn liền với tên gọi của lễ hội đó. Chẳng hạn như điệu xoang của lễ đâm trâu (lễ hội Grong Kơpô) khác với điệu xoang trong lễ hội mừng năm mới (lễ Sơmăk Kơcham) và cũng khác điệu xoang trong lễ ăn cốm mới (lễ Samơk panao)…
Cụ Đinh Bok Hay, ở xã Đak Mang, giải thích: Trong làm lễ cúng nhà Rông mới thì điệu xoang Tơnơl hay điệu xoang Tap Sơgơr lại nhộn nhịp tưng bừng thể hiện sự vui mừng của cộng đồng làng. Trong lễ đâm trâu, vũ điệu xoang Khiêl lại mạnh mẽ hùng tráng thể hiện sức mạnh cộng đồng. Còn trong tiến hành lễ đưa người chết về với đất, với rừng thì điệu xoang A tâu chậm rãi, u buồn...
Xoang có một vị trí đặt biệt trong đời sống văn hóa văn nghệ của đồng bào. Những năm gần đây, chính quyền và ngành VHTT-TT có nhiều nỗ lực giữ gìn và phát huy tốt nét văn hóa của điệu xoang Bana. Theo đó, điệu xoang Bana xuất hiện ngày càng nhiều tại các sinh hoạt cộng đồng.
VÕ CHÍ HÀ