Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XIV - 2017: Giới thiệu mới về lễ hội dân gian
Chuẩn bị cho Ngày hội Văn hóa- Thể thao (VH-TT) các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XIV - 2017 diễn ra từ ngày 2-4.4 tới tại huyện Hoài Ân, các đoàn tham gia đã có những nỗ lực tuyển chọn, dàn dựng để đem đến các lễ hội dân gian mới sưu tầm hoặc thể hiện lần đầu.
Trong Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XIII - 2015, đoàn huyện Vĩnh Thạnh đã giới thiệu về lễ hội mừng nhà rông.
Ban Tổ chức Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XIV - 2017, đã thông báo đến các đoàn, phần thi mang tính chất giới thiệu về lễ hội dân gian tại khu vực làng (trại) sẽ không giới thiệu dài như các ngày hội trước, mà chọn lọc giới thiệu trình tự một nghi thức lễ truyền thống kèm lời dẫn và cảnh diễn ngắn gọn, súc tích... nhưng mô phỏng, khái quát được đặc trưng văn hóa tín ngưỡng dân gian, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là dịp để tìm hiểu, đánh giá về việc bảo tồn các lễ hội truyền thống.
1.
Tại Ngày hội năm nay, Ban Tổ chức khuyến khích các đoàn giới thiệu lễ hội, nghi thức mới sưu tầm và thể hiện lần đầu. Điều này được các địa phương tham gia Ngày hội nỗ lực hưởng ứng nhiệt tình. Huyện Vĩnh Thạnh là đơn vị điển hình trong việc sớm tính toán và lên phương án đáp ứng thật tốt các yêu cầu của Ban Tổ chức.
Theo đó, Trung tâm VH-TT-TT huyện Vĩnh Thạnh đã huy động các nghệ nhân Bana phối hợp với cán bộ chuyên môn của Trung tâm, để lần đầu tiên phục dựng giới thiệu về lễ cúng thần núi. Hiện nay, chỉ còn một vài làng đồng bào Bana trên địa bàn huyện duy trì lễ cúng thần núi, thường được tổ chức sau mùa thu hoạch. Nhưng đây là lễ hội thể hiện tín ngưỡng đặc trưng của đồng bào dân tộc sống dựa vào nương rẫy, giàu tinh thần nhân văn, có yếu tố bảo vệ môi trường sinh thái, rất thân thiện với cuộc sống con người... nên việc phục dựng, và có thể tiến đến phục hồi là việc nên làm.
Ông Đinh Y Oai, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Trong lễ cúng thần núi trước đây, tất cả người dân trong làng phải mang lễ vật cùng trèo lên tận đỉnh ngọn núi cao nhất ở vùng mình sinh sống, rồi mới thực hiện các nghi thức cúng tế. Qua thời gian, lễ cúng này được tổ chức đơn giản hơn để phù hợp với cuộc sống ngày nay, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống. Cán bộ của Trung tâm đã đi tìm gặp các nghệ nhân am hiểu về lễ cúng thần núi ở một số làng, ghi chép lại nhiều thông tin tư liệu cần thiết về quá trình tổ chức lễ cúng. Sau đó, có sự chọn lọc những nét đặc sắc để tái hiện giới thiệu về lễ cúng trong thời lượng chỉ 20 phút theo như quy định của Ban Tổ chức”.
2.
Đến với Ngày hội năm nay, đoàn huyện Hoài Ân sẽ giới thiệu về lễ cầu phúc năm mới phổ biến ở các làng đồng bào Bana, nhưng chưa được giới thiệu trong các ngày hội trước.
Vào dịp đầu năm mới, ở mỗi làng thường tổ chức đoàn đi cầu phúc lần lượt các nhà từ đầu làng đến cuối làng. Đến nhà nào, đoàn cũng làm lễ cúng mang ý nghĩa chúc các gia đình năm mới mạnh khỏe, may mắn, lao động sản xuất tốt. Đáp lại, chủ nhà sẽ tặng đoàn món quà tượng trưng. Kết thúc thực hiện lễ cầu phúc, đoàn sẽ tập trung lại báo cáo với làng về những gì đã làm được và nhận được.
“Lễ cầu phúc đầu năm mới thể hiện đặc trưng trong văn hóa truyền thống, sự gắn kết mang tính cộng đồng cao trong sinh hoạt của đồng bào Bana. Điểm hay của đoàn cầu phúc là tính kết nối cộng đồng cao; trong quá trình đi còn tổ chức các hoạt động tạo không khí vui nhộn cho mọi người. Là chủ nhà của Ngày hội năm nay, nên việc chọn lễ hội lần đầu giới thiệu của huyện Hoài Ân càng được quan tâm chuẩn bị kỹ hơn!” - anh Hồ Việt Quốc, cán bộ Trung tâm VH-TT-TT huyện Hoài Ân, chia sẻ.
4 huyện còn lại (Vân Canh, Phù Cát, Tây Sơn, An Lão) tham gia Ngày hội năm nay cũng đã nỗ lực tìm hiểu, chọn lọc và dàn dựng về các lễ hội chưa được giới thiệu ở địa phương. Ngoài các lễ hội dân gian của đồng bào Bana, thì nhiều lễ hội khác của đồng bào Hrê, Chăm H’roi cũng sẽ được giới thiệu tại Ngày hội. Chị La Thị Huyền Giang, cán bộ Trung tâm VH-TT-TT huyện Vân Canh, bộc bạch: “Qua nhiều lần tham gia Ngày hội, hầu hết các đoàn đã đem đến giới thiệu những lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc ở địa phương mình. Chúng tôi cố gắng tìm hiểu thêm, tóm lược những nét tiêu biểu trên nền tảng truyền thống để có cách thức phù hợp giới thiệu về lễ hội mừng lúa mới của người Chăm H’roi trong Ngày hội năm nay. Hi vọng sẽ đem đến cho người xem những điều mới lạ”.
HOÀI THU