Vốn FDI tăng mạnh nhờ dự án tỷ USD
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam lên tới 7,71 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với con số 3,4 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm và tăng 91,5% so với cùng kỳ năm trước.
Samsung tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam
Cụ thể, tính đến ngày 20.3.2017, cả nước có 493 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 2,9 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, có 223 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,94 tỷ USD, tăng 206,4% so với cùng kỳ năm 2016; và có 1.077 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 852,86 triệu USD, tăng 171,5% so với cùng kỳ 2016.
Như vậy, tính chung trong quý I-2017, tổng vốn đầu tư nước ngoài, kể cả đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 7,71 tỷ USD, tăng 91,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Nguyên nhân là trong tháng 3, có nhiều dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư. Trong đó, đáng chú ý nhất là Dự án mở rộng của Samsung Display ở Bắc Ninh, với số vốn tăng thêm là 2,5 tỷ USD.
Cũng trong tháng 3 này, còn hàng loạt dự án tuy nhỏ hơn nhưng quy mô cũng rất đáng kể được chấp thuận đăng ký mới hoặc tăng vốn. Có thể kể đến dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) do nhà đầu tư Đài Loan đầu tư tại Bình Dương (sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 485,8 triệu USD); dự án Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tại Hà Nội (điều chỉnh tăng vốn đầu tư 319,8 triệu USD); dự án Khu công nghiệp Việt Nam Singapore III tại Bình Dương (tổng vốn đầu tư 284,75 triệu USD); dự án Nhà máy sản xuất Tole Panel tại Bình Phước (tổng vốn đầu tư 269,54 triệu USD); dự án sản xuất sợi lốp KVT-1 tại Bình Dương của Kolon Industries Inc (vốn đăng ký 220 triệu USD)...
Nhờ có dự án tỷ USD của Samsung Display, Bắc Ninh trở thành địa phương thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất kể từ đầu năm tới nay, với tổng số vốn đăng ký là 2,61 tỷ USD, chiếm 33,86% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Bình Dương đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký là 1,39 triệu USD, chiếm 18,04% tổng vốn đầu tư.
TPHCM đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký gần 600 triệu USD, chiếm 7,78% tổng vốn đầu tư.
Cũng tính đến ngày 20-3, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 3,62 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo ANH PHƯƠNG (SGGP)