Bê bối chính trị tại Hàn Quốc: Tập đoàn Samsung khẳng định không hỗ trợ tài chính bất hợp pháp
Ngày 24.3, tập đoàn điện tử Samsung, một trong những tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang dính líu đến vụ bê bối chính trị gây chấn động nước này, khẳng định không cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ tài chính bất hợp pháp nào.
Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong (phải) tham gia một cuộc điều trần đặc biệt của Nghị viện về vụ bê bối tham nhũng liên quan đến cựu tổng thống Park Geun-hye hôm 6.12.2016. Ảnh: Yonhap
Trước đó, ngày 9.3 tại phiên tòa sơ thẩm, lãnh đạo tập đoàn Samsung Lee Jae-Yong đã phủ nhận tất cả cáo buộc liên quan đến vụ bê bối trên. Người thừa kế hàng đầu của tập đoàn Samsung bị truy tố các tội danh hối lộ, tham nhũng, khai man và một số tội danh khác trong vụ bê bối chính trị dẫn đến việc Tổng thống Park Geun-Hye bị phế truất. Bốn thành viên khác trong ban lãnh đạo của Samsung cũng bị cáo buộc liên quan đến vụ việc này.
Ông Lee Jae-Yong bị cáo buộc đã chi 43 tỷ won (tương đương 37,24 tỷ USD) trong các vụ hối lộ bà Choi Soon-sil, người bạn thân của Tổng thống bị phế truất Park Geun-Hye, để đổi lấy những ưu đãi chính sách.
Bà Park đối mặt với nhiều cáo buộc, bao gồm lạm dụng quyền lực, ép buộc hối lộ. Bà bị cáo buộc câu kết với người bạn thân Choi Soon-sil ép buộc các tập đoàn của Hàn Quốc quyên góp những khoản tiền lớn vào các quỹ do bà Choi quản lý để đổi lấy những ưu đãi. Quốc hội Hàn Quốc đã tiến hành luận tội bà Park vào tháng 12-2016 và Tòa án Hiến pháp đã phế truất bà hôm 10.3 vừa qua, theo đó bà bị tước bỏ quyền miễn bị truy tố của tổng thống.
Ngày 21.3, bà Park đã bị triệu tập tới văn phòng công tố để trả lời thẩm vấn về vụ bê bối. Sáng 22.3, bà đã trở về nhà riêng sau cuộc thẩm vấn kéo dài 21 giờ đồng hồ.
Theo một cuộc khảo sát do Realmeter thực hiện đối với 5.730 người Hàn Quốc, 72,3% số người được hỏi đã tán thành điều tra bắt giữ cựu Tổng thống Park sau khi hoàn tất cuộc thẩm vấn, gấp gần 3 lần tỷ lệ 25,1% không tán thành việc này. Tỷ lệ này có nghĩa là cứ 10 người được hỏi thì có 7 người ủng hộ bắt giữ bà Park.
Kết quả khảo sát được công bố vào ngày 23.3. Cụ thể, gần 90% người được hỏi trong độ tuổi từ 20-40 ủng hộ việc bắt giữ bà Park, trong khi 52,3% người trong độ tuổi 60 hoặc già hơn có ý kiến trái ngược.
Theo Tổng Công tố Hàn Quốc Kim Soo-nam, cơ quan công tố sẽ chỉ quyết định có đề nghị bắt giữ bà Park hay không trên cơ sở luật pháp và các quy tắc cũng như kết quả cuộc điều tra.
Ông Kim Soo-nam đưa ra phát biểu trên với các phóng viên ngày 23.3. Đây là lần đầu tiên Tổng Công tố Hàn Quốc phát biểu về khả năng bắt giữ bà Park.
Theo TTXVN