Tăng cường tuyên truyền, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn
Theo báo cáo của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CA tỉnh, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện và xử phạt khoảng 1.100 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, trong đó chủ yếu là xe mô tô và ô tô con. “Dù vậy, trên thực tế, tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng rượu bia hiện vẫn khá phổ biến, tuy không có trường hợp gây ra TNGT”, trung tá Ngô Đức Hoài, Phó trưởng phòng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, CA tỉnh nhận định”. Thời điểm người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm trật tự ATGT cũng như gây TNGT do sử dụng rượu, bia thường xảy ra từ 17-20 giờ hàng ngày.
Do đó, để nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, từng bước hình thành thói quen, ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn, góp phần hạn chế TNGT, ngày 20.3, Ban ATGT tỉnh đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ năm 2017 trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng CSGT tuần tra dọc tuyến QL1A xử lý những trường hợp vi phạm.
Theo đó, Trưởng Ban ATGT tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố xác định nhiệm vụ tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động bảo đảm trật tự ATGT năm 2017. Trước hết là thủ trưởng cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội không sử dụng rượu, bia vào buổi trưa, trong giờ làm việc; không điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu, bia. Bên cạnh đó, lãnh đạo Ban ATGT tỉnh yêu cầu việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông phải được tăng cường với tinh thần thực hiện nghiêm minh, công bằng và không có ngoại lệ.
Ban ATGT tỉnh cũng yêu cầu Sở GTVT chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải đường bộ tổ chức cho lái xe ký cam kết không vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện; tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, lái xe, phụ xe biết các quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, các biện pháp phòng, chống vi phạm nồng độ cồn tại các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ.
Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng thì điều quan trọng hơn cả vẫn là người tham gia giao thông cần tự ý thức “đã uống rượu bia thì không lái xe”, bởi “tính mạng con người là trên hết”.
K.ANH