Vài góp ý để Quy Nhơn sạch đẹp, văn minh
Vài năm gần đây, Quy Nhơn nổi lên như một điểm đến du lịch mới lạ, thu hút rất nhiều du khách vốn yêu mến sự thanh bình, yên ả, có phần còn thô phác nhưng đậm chất Bình Ðịnh. Tuy nhiên, làm thế nào giữ được cảnh quan, môi trường du lịch văn minh- xanh- sạch- đẹp, thu hút được nhiều khách du lịch đến không chỉ một lần là vấn đề đặt ra và thách thức chính quyền địa phương.
Việc chỉ trong một thời gian ngắn, UBND tỉnh đã liên tiếp ban hành các quyết định, kế hoạch về quản lý, giữ gìn trật tự đô thị, giữ gìn vệ sinh cảnh quan đô thị các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh nói chung và Quy Nhơn nói riêng, cho thấy tỉnh đang và sẽ quyết tâm thực hiện. Nhưng, để làm được việc này một cách triệt để còn rất nhiều việc phải làm.
Lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, mua bán trên đường Xuân Diệu. Ảnh: VĂN LƯU
Trước hết, về quản lý trật tự đô thị tại Quy Nhơn, nạn lấn chiếm vỉa hè, thậm chí lòng đường hiện vẫn còn phổ biến. Cách đây mấy hôm, trên mục Tai nghe mắt thấy báo Bình Định có đăng hình ảnh số nhà 83A Nguyễn Thái Học “cát cứ” vỉa hè làm của riêng nhà mình, rồi xuống luôn lòng đường bán xăng. Theo người dân phản ánh, sau khi báo đăng, nhà ấy có dời lên vỉa hè một vài hôm, và bây giờ lại tiếp tục “ngự” ở lòng đường bán xăng. Tại một số tuyến đường, tình trạng lấy vỉa hè làm nơi buôn bán hàng hóa, hàng ăn khá phổ biến. Người đi bộ phải thường xuyên xuống lòng đường mà đi. Dân có thắc mắc, phàn nàn thì chủ tiệm nói đã được phường đồng ý cho thuê vỉa hè, nộp tiền hàng tháng nên có quyền.
Được biết, UBND TP Quy Nhơn có chủ trương cho UBND phường được phép cho các hộ có nhà mặt tiền thuê một phần vỉa hè để buôn bán kinh doanh. UBND phường sử dụng nguồn này để chi phí cho công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn phường. Nhưng qua tìm hiểu thì được biết, có khá nhiều người dân nói rằng họ không hề biết chủ trương này. Vì vậy, các phường cần thông báo rộng rãi chủ trương cho thuê vỉa hè tuyến phố nào, giới hạn cho thuê là bao nhiêu và buộc các hộ kinh doanh phải chừa lối đi cho người đi bộ; đồng thời đưa ra hình thức xử lý nếu các hộ kinh doanh vi phạm chỉ giới (công khai số điện thoại liên lạc). Chính người dân địa phương sẽ là người giám sát, báo cáo với chính quyền khi thấy các hộ vi phạm. Thực hiện tốt điều này sẽ góp phần giữ gìn trật tự đô thị hiệu quả.
Mặt khác, hiện nay khách du lịch đổ về Quy Nhơn ngày một nhiều hơn, song dịch vụ phục vụ cho nhu cầu tắm biển của du khách lại chưa thực sự ổn. Dọc đường đi bộ Xuân Diệu lên đến gần Mũi Tấn (Ghềnh Ráng) chỉ có một, hai điểm dịch vụ tắm biển. Nhà tắm được nhiều người lui tới nhất vẫn là nhà tắm ở khu công viên An Dương Vương, song cung cách quản lý, điều hành còn lộn xộn; không có chỗ giữ quần áo, tư trang bài bản để khách có thể an tâm. Thành phố cũng nên nghiên cứu đặt thêm một số thùng rác “dễ nhìn” tại các điểm du lịch trong nội thành Quy Nhơn để hạn chế tình trạng xả rác thải bừa bãi.
Được biết, từ ngày 15.3 đến ngày 10.4 cơ quan chức năng của thành phố và UBND các phường, xã tiến hành tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định của pháp luật về thực hiện nếp sống văn minh đô thị, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị, ATGT và các chủ trương của tỉnh, thành phố liên quan đến vấn đề này. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động các hộ buôn bán, không để bàn ghế, dù, vật dụng kinh doanh, sinh hoạt, hàng hóa trên vỉa hè, thu dọn các chậu cây xanh trên vỉa hè trước nhà, không xả chất thải ra đường phố, lắp đặt quảng cáo không đúng nơi quy định. Sau thời gian này, cơ quan chức năng thành phố và UBND các phường, xã sẽ đồng loạt tổ chức ra quân lập lại trật tự đô thị, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường của thành phố, nhất là ở các tuyến đường chính hoặc xung quanh chợ.
Kết hợp nhiều biện pháp cùng một lúc, tuyên truyền, giáo dục song hành với kiên quyết xử lý nghiêm, đúng quy định và duy trì thường xuyên thì mới mong tạo thành nếp, để Quy Nhơn ngày một văn minh - sáng- xanh - đẹp hơn.
NGUYỄN NAM