Xe chuyển viện từ thiện
Từ Rằm tháng 10 năm ngoái đến nay, người dân ở huyện Phù Mỹ đã quen với hình ảnh một chiếc xe ô tô không biển số xanh, không còi hụ, không có dấu của xe cứu thương… đi - về không theo một hành trình định sẵn, chỉ để nhanh chóng đưa người bị nạn đi cấp cứu.
Bà Lê Thị Cho kể về ngày cháu nội được cứu sống.
Đó là xe chuyển viện từ thiện, do anh Đặng Thanh Danh - 28 tuổi, ở thôn Trà Lương, xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ - làm tài xế. Từ ca đầu tiên được thực hiện vào ngày 2.12.2012, đến nay, chiếc xe này đã giúp chuyển viện 23 bệnh nhân. Nhờ đó, nhiều người đã vượt qua lằn ranh sinh - tử mong manh.
“A-lô, xe từ thiện xin nghe…”
Đó là câu đầu tiên tôi nghe được, khi nhấc máy gọi đến số điện thoại của anh Danh. Biết mục đích cuộc gọi của tôi, anh thở nhẹ, rồi nói: “Thành thói quen rồi, hễ có cuộc gọi đến là tôi đều nghĩ đến bệnh nhân nào đó đang rất cần đến xe của mình, chậm một phút thôi cũng không được”.
0166.9400.622 - số điện thoại của xe chuyển viện từ thiện được dán ở phòng cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ và trạm y tế các xã. Anh Danh (ảnh) còn in danh thiếp để mọi người truyền tay nhau, để khi cần có thể gọi theo số này.
13 giờ ngày 27.1, anh Danh nhận được một cuộc điện thoại cầu cứu từ xã Mỹ Cát. Tức tốc đánh xe xuống thôn An Mỹ, anh đưa một bà cụ đang bất tỉnh lên Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ. Nhờ được cấp cứu kịp thời, bà cụ qua cơn nguy kịch, 3 ngày sau tỉnh lại, đến hết tuần thì được xuất viện. Sau này, anh Danh mới được biết, người mình chở chiều hôm ấy là bà Trương Thị Chúng, 64 tuổi, ở thôn An Mỹ. Già yếu, nhưng bà vẫn còn hay lam hay làm. Chiều hôm ấy, đang lúc làm ruộng thì bà thấy mệt, rồi ngất xỉu. May mà người dân gần đó phát hiện được, đưa lên bờ làm hô hấp nhân tạo, rồi gọi xe cứu thương từ thiện.
Anh Danh cũng nhớ mãi lần chuyển viện cấp cứu cho em Nguyễn Tân Mạnh, 12 tuổi, ở xã Mỹ Trinh, bị sốt co giật nặng. Một tháng, Mạnh bị đôi lần sốt, lần nào cũng lên cơn co giật. 7 giờ ngày 15.12.2012, có cuộc gọi, anh Danh chạy xe đến nhà Mạnh. Cậu bé lên cơn sốt co giật, mắt đã trợn ngược, được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện. Nhắc đến chuyện này, bà Lê Thị Cho, bà nội của Mạnh, vẫn không khỏi xúc động: “Lần đó, cả nhà tưởng cháu không qua khỏi. May mà có xe cứu thương chở kịp thời lên bệnh viện cấp cứu”.
Bất cứ giờ nào, cứ có người gọi là xe xuất phát ngay. 4 giờ sáng ngày 1.2 vừa qua, nhận được điện thoại có người bị tai nạn giao thông ở dốc Mã Đá (thôn Diêm Tiêu, thị trấn Phù Mỹ), anh Danh liền đưa xe đến. Đưa được nạn nhân nam quê ở Hoài Ân vào đến Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ được 15 phút, thì anh phải chuyển nạn nhân vào BVĐK tỉnh. Nhưng, đến nơi thì phát hiện nạn nhân đã tắt thở.
“Tôi mừng lắm mỗi lần đưa bệnh nhân đến bệnh viện, nghe bác sĩ nói còn cứu kịp. Từ ngày chở đến giờ, dù đã có mặt nhanh nhất có thể, khẩn trương đưa bệnh nhân đi, nhưng tôi đã phải chứng kiến 3 người chết rồi!”, anh Danh chia sẻ.
Cho tình thương lan tỏa
Nói về việc tổ chức xe chuyển viện từ thiện, anh Danh bảo kinh phí mua xe gần 100 triệu đồng, do ông Nguyễn Văn Tuấn ở Cần Thơ vận động từ nhiều nguồn. Mỗi lần chở, gia đình bệnh nhân tùy khả năng mà phụ thêm tiền xăng.
“Hoạt động chuyển viện miễn phí có ý nghĩa lớn trong công tác nhân đạo từ thiện trên địa bàn huyện. Thêm một địa chỉ nhân đạo như thế này, nhiều người dân, nhất là những người còn khó khăn có thêm một sự giúp đỡ thiết thực và kịp thời”.
Ông TRẦN ĐÌNH THỜI, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ
Không theo một hành trình như những chiếc xe khác, quãng đường của xe chuyển viện từ thiện là từ các xã lên Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ; rồi từ Trung tâm Y tế huyện chuyển lên BVĐK khu vực Bồng Sơn và BVĐK tỉnh. Khi tham gia chuyển bệnh nhân, ngoài tài xế còn có người phụ giúp là những người dân ở thôn Trà Quang. Như ông Nguyễn Ngọc Cho, 59 tuổi, từ sau khi đứa cháu được xe đưa đi cấp cứu kịp thời mà thoát chết, ông càng tích cực tham gia phụ giúp mỗi khi xe hoạt động.
Từ chỗ chỉ có một, hai người tổ chức, đến nay, hoạt động của xe chuyển viện từ thiện đã có thêm nhiều người tham gia. Những lúc anh Danh bận việc, xe vẫn chạy khi có người gọi đến. Người thay là anh Nguyễn Đức Trọng, 27 tuổi, một tài xế xe tải, cũng ở thôn Trà Lương, xã Mỹ Trinh. Người dân trong vùng cũng tham gia góp tiền xăng để xe cứu được nhiều người hơn nữa.
Không chỉ có xe chuyển bệnh miễn phí, anh Danh và nhiều người khác còn tham gia tổ chức hoạt động “nồi cơm tình thương” vào các ngày 14, 15, 29, 30 (hoặc mùng 1) hằng tháng. Mỗi ngày có 2 bữa cơm chay, được phát cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ở Trung tâm Y tế huyện. Nhiều người góp thức ăn, có người ở xa ủng hộ cả xe rau. Đến bữa, có gần 20 người tự nguyện đi chợ, nấu cơm. “Đây là những hoạt động thiết thực, chăm lo cho những người nghèo khó, thiệt thòi. Đồng thời, nó cũng có tác động xã hội lớn, thúc đẩy nhiều người khác có điều kiện tham gia vào công tác xã hội”, ông Nguyễn Ngọc Định, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Phù Mỹ, nhận định.
* * *
Sổ nhật trình của anh Danh là những dòng chữ nghệch ngoạc, nhiều chỗ còn sai chính tả. Ở đó, có thông tin về ngày, giờ xe từ thiện hoạt động và bệnh nhân được chở. Rất nhiều dòng ở cột họ tên bệnh nhân để trống, đơn giản vì anh chẳng kịp hỏi. Có hề gì, quan trọng là họ đã được đưa đến viện một cách nhanh nhất có thể.
NGUYỄN VĂN TRANG
Những cử chỉ đẹp và cao cả báo chí nêu lên rất là cảm động nhưng hiện nay tại bệnh viện Phù Mỹ xuất hiện tình trạng "bệnh nhân tù" ở chổ bệnh nhân nếu khi đã vào bệnh viện thì không cho AI ĐƯỢC PHÉP kêu xe đi đâu dù là về nhà chỉ có xe do "tập đoàn" cò của bệnh viện mới được đi. Tôi vừa rồi mẹ đau ruột thừa xe ngoài chỉ đi giá từ Phù Mỹ đến Qui Nhơn nhờ xe người quen bệnh viện không cho vào cổng. bảo phải đi xe do bệnh viện quản lí cụ thể xe tư nhân do ông Huỳnh Kim Tạo nhân viên phòng y tế ăn rơ với bệnh viện mới được cho vào cổng bệnh viện. Ngày xưa "cơm tù" bây giờ là "bệnh nhân tù" hay sao ? Chúng tôi là người dân mong có sự tự do quyền được lựa dịch vụ mình cần.????? Hỏi luật pháp này có cong luật nhân quyền hay không ngay tại một Trung tâm y tế Phù Mỹ vậy ?
Vậy xe cứu thương của BV Phù Mỹ ở đâu ? Chuyển viện cho bệnh nhân là điều quá tốt,nhưng chuyển viện trên những cung đường xa mà không có bác sĩ và trang thiết bị cấp cứu đi kèm thì quả tình bất cập