Chuẩn bị làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT Quốc gia năm 2017: Băn khoăn chọn ngành, chọn nghề
Tuần tới, các thí sinh bắt đầu làm và nộp hồ sơ đăng ký thi THPT Quốc gia, nhưng đến giờ này, khi được hỏi sẽ chọn ngành nghề nào cho tương lai mình, không ít bạn vẫn còn phân vân.
Việc chọn ngành nghề luôn khiến phụ huynh và học sinh đắn đo, nhưng riêng năm nay, khi việc đăng ký môn thi THPT Quốc gia diễn ra cùng lúc với việc đăng ký tổ hợp xét tuyển đại học thì quyết định có vẻ khó khăn hơn.
Con lẫn cha mẹ đều đắn đo
Bảo Duy, học sinh Trường THPT Trần Cao Vân, thú thật: “Đến giờ này, em chưa biết mình thích gì”.
Không chỉ các em học lực bình thường, những em học lực giỏi cũng chưa có lựa chọn rõ ràng. “Em rất thích ngành Y nhưng lại sợ năm nay các trường lấy điểm cao. Em cũng đang thích các ngành công an, quân đội và kinh tế”, một học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, cho biết.
Các học sinh lớp 12 tìm hiểu thông tin về ngành, nghề tại chương trình tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh năm 2017 do Trường Đại học Quy Nhơn tổ chức.
Nhưng ngay cả số học sinh đã xác định rõ ràng ngành, nghề theo đuổi, đến giai đoạn này, lại bày tỏ không ít băn khoăn, trăn trở. “Từ lâu em rất thích nghề giáo. Nhưng những năm gần đây, qua theo dõi thấy ngành này có không ít vấn đề trong tuyển dụng, quản lý, đạo đức nghề nghiệp nên cũng thấy ngại” - Hồng Cẩm, học sinh Trường THPT Quốc học Quy Nhơn, trải lòng.
Học sinh băn khoăn chọn ngành nghề, cha mẹ cũng đắn đo không kém. anh Đức Vinh (TX An Nhơn) đang có ý định thuyết phục cậu con trai học lớp chuyên Toán Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn vào học một ngành kỹ thuật nào đó ở Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Vậy nên, anh đã khá bất ngờ khi nghe con chia sẻ “muốn theo ngành Kinh tế”. “Tôi định hôm nào con rảnh rỗi, hai cha con ngồi lại, chuyện trò xem nên chọn ngành nghề nào, tránh tình trạng con lựa chọn cảm tính, còn tôi thì lại ép con học ngành không yêu thích”, anh Vinh chia sẻ.
Theo giáo viên các trường THPT, số học sinh có học lực trung bình chạy theo trào lưu sở thích số đông từ bạn bè nhiều nhất. Trong khi đó, có không ít em chọn ngành nghề đơn giản vì thấy thích hoặc thấy ngành này có nhiều cơ hội việc làm.
Để giúp học sinh chọn ngành, nghề phù hợp, chúng tôi sẽ tăng cường cập nhật thông tin để tư vấn cho học sinh, tuy nhiên quyết định cuối cùng vẫn là thí sinh và phụ huynh - nhiều hiệu trưởng đã cho biết như thế.
Chọn ngành rồi hãy chọn trường
Tại các chương trình tư vấn tuyển sinh tổ chức ở tỉnh thời gian qua, rất nhiều học sinh đã bày tỏ sự quan tâm đến cơ hội việc làm mà mình sẽ lựa chọn.
Lê Hồ Quốc Tiến, học sinh Trường THPT Trưng Vương, đặt câu hỏi: “Hiện nay một số trường đại học cam kết sau khi tốt nghiệp, 90-100% sinh viên sẽ có việc làm. Vậy nếu em đăng ký vào học mà ra trường không có việc thì trường có chịu trách nhiệm không?”
TS Lê Xuân Vinh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Quy Nhơn, trao đổi: “Việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học là trách nhiệm của nhiều phía liên quan. Đầu tiên, các trường đại học cần thay đổi chương trình đào tạo, liên kết với doanh nghiệp để tạo cơ hội việc làm cho sinh viên. Thứ hai là việc quản lý của Nhà nước. Nhà nước phải có dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực và có những giải pháp để điều chỉnh việc đào tạo tương ứng với các ngành, nghề. Nhưng một quan trọng không kém là bản thân sinh viên phải đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo, tự mình tăng cường kiến thức, các kỹ năng cũng như vấn đề liên quan đến cuộc sống, nghề nghiệp tương lai để có thể đáp ứng yêu cầu tuyển dụng và việc làm”.
Nhiều năm quan tâm tìm hiểu, tư vấn nghề nghiệp cho sinh viên, ThS Đào Thị Hồng, giảng viên Trường Cao đẳng Bình Định chia sẻ, không ít sinh viên tâm sự rằng, họ đã chọn học những ngành, nghề không phù hợp.
“Nguyên nhân thì nhiều nhưng từ chính bản thân mình là quan trọng nhất. Hãy suy nghĩ, chuẩn bị cho quyết định này thật lâu, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Các bạn phải tách bạch sở thích với khả năng, còn phải tính tới những yếu tố liên quan nhưng không kém phần quan trọng như kinh tế gia đình, sức khỏe… Không tự mình làm được thì hãy nhờ người thân, thầy cô, bạn bè giúp xác định thế mạnh, điểm yếu; đồng thời tìm hiểu thật kỹ, cố gắng tham khảo những người đã trải qua việc học hoặc việc làm những ngành, nghề đó”, ThS Đào Thị Hồng khuyên.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phan Thanh Liêm, học sinh hãy chọn ngành trước rồi hãy chọn trường, vì một ngành có thể nhiều trường đào tạo, căn cứ vào năng lực học tập, các em chọn trường vừa sức. “Cũng cần lưu ý đến hai yếu tố: đảm bảo chi phí đào tạo và tỉ lệ học sinh ra trường có việc làm”, ông Liêm nhắc nhở.
NGỌC TÚ