DN khai thác đá granite tại Phước Thành (Tuy Phước): Lấp ruộng dân nhưng khắc phục sơ sài
Gần đây, Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite (trụ sở tại khu vực Tân Hòa, phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn, gọi tắt là Công ty Hoàn Cầu) khai thác đá granite ở khu vực phía Tây núi Hòn Chà thuộc thôn Cảnh An 1, xã Phước Thành (Tuy Phước) gây sa bồi nhiều héc ta ruộng, khiến nông dân không thể canh tác được.
Mất ruộng canh tác
Tại cánh đồng Hóc Công (ở xóm 4, thôn Cảnh An 1, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước) nhiều hec ta đất đang bị bỏ không do bị đất, cát bao phủ. Đứng bên đám ruộng bị “đông cứng”, anh Nguyễn Văn Thạnh (35 tuổi, trú xóm 4, thôn Cảnh An 1) chậc lưỡi nói: “5 sào đất (500m2/sào) trước đây tôi trồng lúa, hoa màu đều bị đất, cát bồi lấp ít nhiều. Đến nay, tôi đã thu gom, khôi phục sản xuất được 4 sào và Công ty Hoàn Cầu hỗ trợ phân bón. Sào còn lại bị đất, cát phủ dày quá, được Công ty đền bù 1,5 triệu đồng/vụ, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Tôi đề nghị Công ty phải thu gom lớp đất, cát trả lại ruộng để gia đình canh tác ổn định, lâu dài”.
Ngoài làm 5 ha ruộng ở Phước Thành bị bồi lấp như hiện nay, trước đó, trong quá trình khai thác đá granite tại xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, Công ty Hoàn Cầu cũng đã làm bồi lấp 3 ha đất tại cánh đồng Hóc Ông Phong, thuộc thôn Liên Trì làm 20 hộ không thể canh tác được (báo Bình Ðịnh số ra ngày 15.2.2017 đã phản ánh). Ðến nay, Công ty đã đền bù xong cho các hộ bị ảnh hưởng. UBND xã Cát Nhơn yêu cầu Công ty phải đưa phương tiện thu gom đất, đá, cát, sỏi bồi lấp và trả lại ruộng cho dân canh tác trước tháng 9.2017.
Năm 2010, UBND tỉnh cấp phép cho Công ty Hoàn Cầu được khai thác đá granite tại sườn phía Tây núi Hòn Chà, thuộc xã Phước Thành (Tuy Phước) và phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn) trên diện tích 68 ha, thời hạn 20 năm. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, Công ty thực hiện không tốt việc xây dựng hồ lắng, mương thoát nước. Theo ông Lê Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, từ năm 2014 đến nay, Công ty khai thác đá trên núi Hòn Chà đã gây ra sạt lở đất, cát nghiêm trọng, phủ lấp hơn 5 ha đất nông nghiệp tại cánh đồng Hóc Công, khiến 16 hộ dân không thể gieo trồng. “Phần diện tích đất bị bồi lấp từ năm 2014 - 2016, Công ty đã tổ chức đền bù cho dân theo thời vụ, riêng vụ Đông Xuân 2016 - 2017 thì chưa nên bà con bức xúc. Tuy nhiên, địa phương thấy giải pháp này chưa ổn vì không bền vững. Do đó, sắp tới, Công ty phải thu gom đất, cát trả lại ruộng cho dân sản xuất”, ông Đồng nói.
Ngoài ra, cũng theo phản ánh của người dân xóm 4, thôn Cảnh An 1, tất cả nước thải, chất thải phát sinh trong quá trình khai thác đá của Công ty Hoàn Cầu hiện đều theo mương thoát nước dẫn từ khu vực mỏ đổ ra sông Hà Thanh, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Không những vậy, hơn chục hộ dân sống dưới chân núi thuộc xóm 4 cũng bị ảnh hưởng bởi bụi đá và tiếng ồn phát sinh trong quá trình công ty khai thác đá.
Khắc phục: Làm cho có!
Trước tình trạng đất đá từ mỏ sạt lở, bồi lấp ruộng dân, năm 2014, UBND xã Phước Thành cùng ngành chức năng của huyện Tuy Phước đã yêu cầu Công ty Hoàn Cầu phải xây dựng hệ thống mương thoát nước bằng bê tông kiên cố; xây dựng kè chắn, hồ lắng để ngăn chặn tình trạng đất, đá, cát, sỏi theo nước mưa bồi lấp xuống ruộng dân. Dù đến nay Công ty đã làm mương thoát nước, làm hồ lắng, nhưng theo nhận xét của ông Lê Văn Đồng, thì: “Công ty làm rất sơ sài, làm cho có; không đảm bảo thoát nước, ngăn chặn nạn đất, đá, cát, sỏi bồi lấp ruộng dân. Theo thiết kế, mương thoát nước, hồ lắng phải xây dựng kiên cố bằng bê tông xi măng, nhưng lại là mương đất; hồ lắng làm sơ sài nên đất, đá bồi lấp, không phát huy được tác dụng. Đáng ngại hơn, vào mùa mưa nước từ trên đỉnh núi đổ xuống rất mạnh làm sạt lở đất dọc kênh mương, ảnh hưởng đến việc sản xuất của bà con”.
Về việc này, ông Huỳnh Thanh Phương, cán bộ phòng TN-MT huyện Tuy Phước, cho rằng: “Do khâu đền bù giải phóng mặt bằng thi công mương thoát nước kéo dài hơn 3 năm, nên Công ty Hoàn Cầu thi công chậm trễ, chưa hoàn thiện công trình. Hiện nay, chúng tôi tiếp tục yêu cầu công ty phải khẩn trương hoàn thiện mương thoát nước theo hướng kiên cố bằng bê tông, hoàn thành trước mùa mưa lũ năm nay; đồng thời phải nạo vét, chỉnh sửa lại hồ lắng. Đặc biệt, Công ty phải nhanh chóng đưa phương tiện cơ giới tiến hành thu gom đất, cát phủ lấp dưới ruộng để trả lại cho dân canh tác. Chấm dứt tình trạng đền bù theo mùa vụ như thời gian qua”. Ông Phương nói thêm: “Việc người dân phản ảnh Công ty xả nước thải ra sông Hà Thanh, Phòng sẽ phối hợp với ngành chức năng kiểm tra, lấy mẫu nước phân tích và có báo cáo cụ thể đến chính quyền địa phương để trả lời cho dân có ô nhiễm hay không”.
TRỌNG LỢI