Tiểu Kha - Truyện ngắn của Y NGUYÊN
Tôi gói ghém đồ đạc, xách chiếc ba lô nhỏ lặng lẽ đón xe vào Cà Mau. Ở Cái Nước, tôi có ông cậu mềm mỏng và tâm lí. Cái Nước, nơi cậu tôi định cư là vùng đất xa xôi, có vẻ phù hợp với tôi lúc này, tên trốn đời sợ người quen cảnh cũ…
***
Trong hình dung của tôi, nhà cậu không tuệch toạc thế này. Gian nhà nhỏ xíu xây trên mô đất cao, bên trong trống huơ trống hoác. Mỗi lần cậu về quê chơi, nhìn cậu chỉn chu, đâu ai dám nghĩ cậu sống đơn sơ đến vậy. Từ ngày tôi và vợ chia đôi mọi thứ, hầu như tháng nào cậu cũng thăm hỏi, gửi tiền về cho cu Bo. Ðứng trước cái sân gạch nhà người cậu 48 tuổi chưa lấy vợ, có cái gì đó vỡ ra…
Tôi bỏ học sớm. Mười lăm tuổi đã bươn chải làm ăn, mánh này mánh khác. Mười tám tuổi, tôi thành chủ một cửa hàng chuyên mua bán đồ điện tử, điện lạnh. Tiền bạc xông xênh, vợ chồng thuận thã. Vợ tôi sinh liên tiếp hai đứa con. Bé Bom được năm tuổi, trong một lần qua biên giới lấy hàng, không như những bận trước, tôi bị túm cổ. Hàng hóa bị tịch thu, nộp phạt, chạy vạy mãi mới thoát án tù. Trắng tay. Tôi thành con số 0 to tướng: không tiền bạc, bằng cấp, việc làm. Cùng lúc đó vợ nộp đơn ly hôn! Mọi thứ cứ thế vuột khỏi tay tôi…
Từ ngày tôi lâm vào cảnh cơ hàn, chẳng thấy bạn bè nào bén mảng. Cậu về thăm quê, thấy vậy, một hai bảo tôi vào chỗ cậu một thời gian. Ðến vùng đất mới biết đâu lại tốt cho tôi lúc này. Thì đi. Tôi khăn gói vào với cậu…
Cuộc sống nơi vùng đất mới cũng chẳng giúp tôi thấy sáng sủa hơn. Căn bệnh tự kỷ vẫn trầm kha. Vẫn cô độc, đốt thuốc lá, uống rượu. Gần như đêm nào tôi cũng say lật khật. Bước liêu xiêu, không quan tâm đến những ánh mắt hiếu kỳ đổ dồn về mình. Tôi không có một ý niệm nào trong đầu.
Ðiện thoại trong túi đổ chuông. Móc nhìn. Làm sao có thể quên số điện thoại của người đàn bà đã sinh cho mình hai đứa con. Chắc lại gọi để nheo nhéo ngoài tiền cấp dưỡng hằng tháng tòa quy định, nên lo thêm cho con vì đứa nhỏ èo uột bệnh đau, vì giá cả thị trường thay đổi, vì, vì…. Cả ngàn câu bắt đầu bằng chữ “vì”. Chán ngán hình dung những lời lẽ lê thê, tẻ nhạt như cuốn băng cũ mèm, tôi cầm điện thoại, xìa tay ra thành cầu. Chợt một giọng nói rất trong, nhẹ bẫng:
- Không dùng nữa thì cho tôi!
Quay nhìn. Cô gái khá thanh tú. Tôi lườm:
- Là ăn mày hả?
- Ăn mày không xin điện thoại.
Cô gái vẫn lì lợm:
- Ôi trời! Bộ rách như tổ đỉa còn bày đặt đi chê ăn mày.
Nghĩ sao, tôi quyết định nhét cái điện thoại vào tay cô gái, ngật ngưỡng đi.
- Uống với tôi nha?
Rượu lúc này ư? Còn gì bằng.
Quán rượu nhỏ mé đường. Khách đông. Lâu rồi không ngồi với phụ nữ, bất chợt tôi phát hiện mồ hôi trên trán rịn ra. Té ra là tôi thấy căng thẳng. Cô gái phá mồi tì tì. Còn tôi, tôi uống chậm rãi , li nối li, đều đều.
- Muốn làm bạn với tôi không?
- Bạn gì?
- Thì bạn bè!
- Tôi không cần bạn tâm tình. Tôi cần bạn… nhậu!
- Ðược thôi.
- Khoan, có điều kiện.
- Gì nữa?
- Phải trả tiền rượu cho tôi.
- Trời! Bộ anh nghĩ mình có giá đến mức đó á? Không biết sĩ diện a?
- Nhục cái gì chứ. Tầm như tôi không thể nhục hơn nữa.
- Thế a? Thôi được, tôi sẽ làm bạn nhậu của anh, rủ anh đi uống và trả tiền rượu cho anh.
Ðêm ấy tôi say chúi đầu còn Tiểu Kha vẫn tỉnh rụi như không, còn đủ sức lôi tôi ra khỏi quán, đưa tôi về nhà, mặc cho tôi cứ lè nhè một hai đòi uống tiếp…
Tiểu Kha cũng có điều kiện bắt tôi phải theo. Thứ nhất, vào độ nhậu, uống tới đâu dừng là quyết định của Tiểu Kha. Thứ hai, tôi không được nhậu với bất cứ ai nữa trừ cô ta. Cũng đành, giữa chốn lạ, có được một bạn nhậu tốt kể như đời còn thương! Biết chuyện cậu Tư chỉ cười tràn. Tôi vẫn chưa biết cô bạn nhậu mới của mình làm gì, ở đâu, hoàn cảnh ra sao nhưng không mấy ngày sau, tự tôi đã cảm nhận Tiểu Kha đang dần chiếm một chỗ ngày càng lớn hơn trong cuộc đời tưởng chừng đã vứt đi của tôi…
- Bữa nay nhậu tôi trả tiền nha. Thoát nhục một bữa…
- Bảnh dữ! Tiền đâu ra?
- Cậu Tư cho.
- Vậy khác gì đâu? Muốn thoát nhục uống rượu bạn gái bao thì đi kiếm tiền đi… Ðâu có khó!
- Làm gì?
- Nghe tôi bè, đi làm thuê đi. Sức dài vai rộng, làm gì đến nỗi không có việc để làm.
- Ai mà thèm thuê tôi?
-Tôi thuê!
Tiểu Kha dắt tôi đi. Chủ cửa hàng điện máy trên phố đang cần một chân bán hàng. Làm được không? Ðược. Có Tiểu Kha bảo lãnh, ông chủ đồng ý cho tôi thử việc. Hai tuần, việc chạy tốt, ông chủ gật đầu. Xìa ngón tay cái ra, mày ngon! Nhưng không được uống rượu nữa! Khách nào muốn nói chuyện với người bay mùi rượu!
Có mặt ở đó, bạn nhậu duy nhứt của tôi ở xứ cùng trời cuối đất gật đầu cái rụp. Ðược! Cứ như vậy. Ảnh nhậu theo tui, coi như đến cuối tuần tui mới uống rượu là được. Không chỉ ông chủ mà cả tôi cũng tròn mắt ngơ ngác. Cứ vậy đi cái đã, từ từ tính tiếp.
Tôi nhấp nhổm chờ Tiểu Kha nơi góc quán. Cuối tuần. Lần đầu tiên tôi hẹn Tiểu Kha ra đây kể từ lúc “thoát nghèo”. Ðủ tiền vô, hẳn rồi; nhưng còn lí do khác…
7, rồi 8 giờ, Tiểu Kha không tới. Ðiện thoại báo: thuê bao hiện không liên lạc…. Ruột gan tôi như lửa đốt. Ðịnh rời quán thì cậu phục vụ mang vào mảnh giấy. Xin lỗi, việc đột xuất K. không tới được, anh về mở email đọc thư K…. Ði tong cái hẹn chiều thứ 7 chuẩn bị dày công. Còn bày đặt thư với từ. Chuyện quái quỷ gì đây không biết. Tôi bực dọc đứng dậy, suýt xô đổ chiếc ghế…
Anh!
K. vô cùng xin lỗi anh. K. biết tình cảm anh dành cho K. nhưng K. không thể. Thú thật, K. đến với anh ban đầu chỉ vì lòng trắc ẩn, muốn giúp anh đứng lên, làm lại cuộc đời. Còn nữa, còn sự nhờ vả của cậu Tư. Ðến giờ anh vẫn chưa biết cậu Tư là người bạn vong niên mà K. rất quý trọng, hàm ơn. Phải vậy thôi; K. cũng đã một lần sụp đổ, thua buồn - đến mức quỵ ngã, buông xuôi - và người chìa tay ra giúp K. đứng dậy, không ai khác, chính là cậu Tư…
Buồn khổ một vài hôm cũng không sao, giờ mọi điều tốt đẹp đang đến. Việc của K. đã hoàn tất, không còn lí do gì K. để tiếp tục nấn ná bên anh. Bữa tiệc nào vui mấy rồi cũng đến lúc tàn… Gia đình K. sắp định cư nước ngoài. Thủ tục đều xong, chỉ còn chờ bay. Mọi sự đã an bài. Sẽ tốt hơn nếu K. không còn gặp lại anh nữa. K. tin rồi anh sẽ được người phụ nữ tốt để yêu thương.
Sống tốt nha anh…
Tôi chậm rãi tắt máy tính. Thong thả tản bộ ra đường. Gió đêm lạnh rợn. Bước chân vô tình đưa ra đúng cái nơi hai năm trước tôi gặp Tiểu Kha lần đầu. Móc điện thoại cầm tay, tuyệt vọng ấn nút gọi lần cuối. Vẫn thuê bao này hiện không…. Vậy thôi, coi như định mệnh rồi đó, Tiểu Kha. Xìa tay qua thành cầu. Chiếc điện thoại nhỏ Tiểu Kha mua tặng nhân ngày tôi xin được việc. Tiếng thở dài sau lưng, kèm một giọng nói rất trong, nhẹ bẫng:
- Không dùng nữa thì cho tôi...
Nếu đêm đó anh không ra cầu - liệu em có ở lại không?
- Chắc không!
- …?
- Gia đình đã gần như tuyên bố từ em vì quyết định đến với anh.
- Có hối hận?
- Có thể; nếu như một ngày em phát hiện anh không xứng đáng…
…
- Sao đêm đó em lại ra cầu?
- Em không biết nữa. Có phải chuyện gì cũng cần phải biết đến rạch ròi mới làm đâu.
Y.N