Hãy bắt đầu từ những chuyện nhỏ!
Quan sát hàng ngày trên các đường phố, từ nơi đô thị cũng như các nẻo đường quê, điều mà mọi người dễ dàng bắt gặp là tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm an toàn giao thông (ATGT). Ngay tại TP Quy Nhơn, những hình ảnh các nhóm học sinh đi xe đạp dàn hàng ngang 3-4 chiếc cùng lúc, đi xe máy chở đôi chở ba, không đội mũ bảo hiểm..., diễn ra khá phổ biến. Còn những hình ảnh rất phản cảm của các cô cậu học trò trên những chiếc xe điện chạy tốc độ cao, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, lạng lách, đánh võng... bất chấp mọi quy định về giao thông, từ lâu đã và đang là nỗi bức xúc của nhiều người.
Theo số liệu của Ủy ban ATGT quốc gia công bố gần đây, gần 80% số người bị xử lý vi phạm khi tham gia giao thông nằm trong độ tuổi từ 16-35. Con số này cho thấy tình trạng thanh, thiếu niên thiếu ý thức chấp hành các quy định về ATGT có tỉ lệ rất cao, là vấn đề nóng bỏng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Và đó cũng chính là tiếng chuông cảnh báo về sự lệch chuẩn, mất chuẩn trong văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông của giới trẻ, nhất là trong học sinh, sinh viên. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do để Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chọn chủ đề “Thanh niên với Văn hóa giao thông” cho Năm ATGT 2017.
Theo nhiều chuyên gia, việc xây dựng văn hóa giao thông (VHGT) được coi như một trong những giải pháp quan trọng nhằm xây dựng môi trường giao thông an toàn bền vững, giảm thiểu đến mức thấp nhất tai nạn giao thông. VHGT biểu hiện trước hết ở ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật về giao thông đường bộ, ở các hành vi ứng xử có văn hóa, ở ý thức tôn trọng người khác, góp phần tích cực bảo đảm trật tự ATGT công cộng khi tham gia giao thông...
Xây dựng VHGT trong thanh, thiếu niên là xây dựng thói quen tham gia giao thông đối với lớp trẻ một cách có văn hóa, tự giác tuân thủ pháp luật, hình thành thói quen ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông. Theo đó, việc xây dựng VHGT cần tránh các câu khẩu hiệu, các hình thức hô hào chung chung mà nên đi vào nội dung thiết thực, việc làm hiệu quả. Các cơ sở đoàn, hội cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử khi tham gia giao thông với những tiêu chí rõ ràng, bên cạnh đó phải có các chế tài để xử lý vi phạm. Từng đoàn viên, thanh niên hàng ngày, hàng giờ cần thực hành VHGT bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như: có bằng lái mới điều khiển xe mô tô; đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy; dừng đỗ đúng phần đường quy định; nghiêm chỉnh chấp hành tín hiệu giao thông...
Bây giờ vẫn đang là những ngày tháng Ba - Tháng Thanh niên năm 2017. Hướng đến kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đoàn, tuổi trẻ cả nước đã và đang hoạt động xung kích, tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị. Việc hưởng ứng tích cực Năm ATGT 2017 với chủ đề “Thanh niên với Văn hóa giao thông” là hoạt động hết sức có ý nghĩa, không chỉ thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ mà còn là cơ hội để đoàn viên, thanh niên thể hiện vai trò xung kích trên mặt trận bảo đảm ATGT.
Với tinh thần vì cộng đồng, mỗi đoàn viên, thanh niên hãy chung tay xây dựng VHGT, bắt đầu từ những việc nhỏ để hình thành thói quen ứng xử văn minh, lịch sự, đúng pháp luật khi tham gia giao thông.
H.Đ