Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành: Nỗ lực thi công đảm bảo về kỹ thuật, mỹ thuật
Sau thời gian nỗ lực thi công, tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành đã đến giai đoạn hoàn thiện, hiện đang trên đường vận chuyển về, để đặt tại khu vực Quảng trường Trung tâm tỉnh ở TP Quy Nhơn. Ngày 24.3, PV Báo Bình Ðịnh đã tìm đến xưởng thi công tượng đài tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội, phỏng vấn ông Nguyễn Văn Mạc, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bảo tồn Di sản văn hóa, xung quanh việc thực hiện tượng đài.
* Xin cho biết đôi điều về quá trình thi công tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành?
- Để thực hiện công trình này, Công ty TNHH một thành viên Bảo tồn Di sản văn hóa (thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam) đã tham khảo ý kiến, phối hợp với các nhà khoa học, sử học, điêu khắc. Chúng ta có rất ít tài liệu về khoảng thời gian hai cha con Nguyễn Sinh Sắc- Nguyễn Tất Thành sống ở Bình Định. Chúng tôi có tham khảo mẫu tượng cụ Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp, tượng Nguyễn Tất Thành ở Bến Nhà Rồng (TP Hồ Chí Minh). Ngoài ra, chúng tôi đã nhờ đến NSƯT Tiến Hợi (hiện là Phó Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội), người đã nhiều lần nhận vai và diễn thành công về hình tượng nhân vật Bác Hồ tư vấn.
Ông Nguyễn Văn Mạc (bên trái) đang trao đổi về việc thi công tượng đài.
Chúng tôi nỗ lực thể hiện thần thái chàng trai Nguyễn Tất Thành với dáng đứng vươn lên, bên cạnh là người cha Nguyễn Sinh Sắc dung dị, ân cần, gửi gắm tình cảm đối với con trai còn trẻ tuổi nhưng mang hoài bão lớn. Ánh mắt của hai cha con đều nhìn về hướng Biển Đông, thể hiện ý nghĩa khi hai cha con chia tay tại bãi biển Quy Nhơn, cũng như sau này Nguyễn Tất Thành vượt đại dương tìm đường cứu nước.
* Tượng được thực hiện bằng chất liệu, kỹ thuật gì để đảm bảo chất lượng thưa ông?
- Thực tế ở nước ta cho thấy, nhiều tượng đài thực hiện bằng kỹ thuật đúc đồng truyền thống, khi đặt ngoài trời, trải qua mưa nắng, thường xuống cấp nhanh và có độ bền không cao. Vì vậy, khi thực hiện công trình tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành, chúng tôi dùng kỹ thuật ép đồng, với nguyên liệu là các tấm đồng nguyên chất, khổ lớn. Việc giám sát, kiểm tra, thẩm định chất liệu đồng làm tượng do các chuyên gia của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đảm nhiệm.
Tượng đài Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Sinh Sắc là tác phẩm nghệ thuật của nhóm tác giả Tạ Quang Bạo và Vũ Ðại Bình.
Dự án đầu tư xây dựng tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành, là dự án nhóm B, loại công trình văn hóa - mỹ thuật cấp tỉnh. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng tượng đài hơn 118 tỉ đồng bằng nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn huy động khác.
Làm tượng bằng kỹ thuật ép đồng khó và công phu hơn đúc đồng truyền thống. Phải mất nhiều thời gian để làm nhiều khuôn, các mảnh ghép đồng phải đảm bảo chính xác khuôn mẫu đã được duyệt. Ở nước ta, đây là tượng đài thứ 2 sử dụng kỹ thuật này (tượng đài thứ nhất là tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên cũng do Công ty TNHH một thành viên Bảo tồn Di sản văn hóa thi công). Lực lượng thi công tượng là các nghệ nhân giỏi đến từ làng nghề nổi tiếng ở miền Bắc, đảm bảo thực hiện các chi tiết tượng đúng ý tưởng của tác giả muốn gửi gắm. Tất cả điều này nhằm đảm bảo cho công trình tượng đài ở Quy Nhơn - Bình Định đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật và có độ bền cao.
* Hiện nay việc thi công tượng đài đã đến đâu rồi, thưa ông?
- Hiện nay, phần tượng đã cơ bản hoàn thành. Mỗi tượng cao 10,8 m (không kể phần bệ tượng cao 4,2m), nặng 15 tấn (hai tượng nặng tổng cộng 30 tấn). Sau khi vận chuyển vào TP Quy Nhơn, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các công đoạn cuối để hoàn thiện tượng.
Tượng Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành đang được làm khung sắt bảo vệ để vận chuyển về TP Quy Nhơn.
Ngoài ra, tại khu vực đặt tượng ở Quảng trường Trung tâm tỉnh, việc thi công 900 m2 phù điêu bằng đá Thanh Hóa do các nghệ nhân Ninh Bình thực hiện cũng đã xong. Chúng tôi đã nỗ lực hết sức mình để đảm bảo tượng đài có thể khánh thành theo kế hoạch vào tháng 5.2017.
* Xin cảm ơn ông!
HOÀI THU (Thực hiện)