Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi Bình Ðịnh - 2017: Chủ nhà Hoài Ân đã sẵn sàng
Ngày hội Văn hóa - Thể thao (VH-TT) các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bình Định lần thứ 14 sẽ tổ chức tại huyện Hoài Ân vào các ngày 2, 3, 4.4.2017. Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: “Là đơn vị đăng cai, huyện Hoài Ân đã thành lập BTC cấp huyện, họp các ban ngành liên quan phân công trách nhiệm, chuẩn bị các điều kiện cần thiết như lắp đặt hệ thống điện, nước, khu vệ sinh công cộng tại nơi sẽ diễn ra Ngày hội. Giao cơ quan chuyên môn phối hợp với 3 xã vùng đồng bào dân tộc của huyện tuyển chọn diễn viên, vận động viên tổ chức tập luyện và chuẩn bị tất cả các điều kiện cần thiết để tham gia ngày hội”.
Ông Ngô Trần Hùng, Giám đốc Trung tâm VHTT-TT Hoài Ân, khẳng định: Đến nay, công tác tuyên truyền bằng hệ thống trực quan trên địa bàn đã được triển khai xong; các sân bãi thi đấu các môn thể thao của Ngày hội đã được huyện sửa chữa đảm bảo đúng yêu cầu tổ chức thi đấu, đã làm xong cây nêu Bana phục vụ Ngày hội, chuẩn bị xong các khâu phục vụ việc cúng Giàng khai hội trong lễ khai mạc.
Các nghệ nhân xã Ân Sơn dựng nhà truyền thống của đồng bào Hrê. Ảnh: VÕ CHÍ HÀ
Đến nay, Trung tâm VHTT-TT huyện cũng đã phối hợp với UBND 3 xã: Bok Tới, Đắk Mang, Ân Sơn tuyển chọn được 80 diễn viên, vận động viên. Tổ chức tập luyện các nội dung văn hóa văn nghệ như biểu diễn nghệ thuật truyền thống gồm dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, thi người đẹp miền núi, thi kể chuyện Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Sưu tầm tư liệu, tìm kiếm vật phẩm và cách nấu những món ăn ngon của đồng bào Bana, Hrê. Tổ chức tập dợt để tham gia trình diễn lễ hội dân gian, giao lưu văn hóa ẩm thực, luyện tập để sẵn sàng thi đấu các môn thể thao như: chạy vượt đồi, đẩy gậy, phóng lao, bắn nỏ, bóng đá, bóng chuyền.
Anh Đinh Văn Châu ở xã Ân Sơn, vận động viên môn chạy vượt đồi, thổ lộ: “Được chọn vào đoàn văn hóa thể thao của huyện tham gia Ngày hội tôi rất vui. Hơn một tuần qua, ngày nào tôi cũng chạy bộ, mong thể lực nâng lên để thi đấu tốt, đem lại thành tích cao cho huyện”.
Riêng việc làm trại làng theo mô hình nhà truyền thống được các nghệ nhân 3 xã vùng cao của huyện đề xuất và đã tập trung thực hiện gồm hai nhà rông Bana và một nhà sàn Hrê theo đúng kiểu nhà truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Nghệ nhân Đinh Văn Khâm ở xã Đak Mang cho biết: “Cái khó khăn của việc làm nhà truyền thống hiện nay là vật liệu, vừa nhọc công vừa đi tìm rất xa. Hơn nữa lớp trẻ ít người biết làm nhà truyền thống, nên việc phối hợp, hướng dẫn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên mọi việc giờ cũng ổn rồi”.
Ngày Hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh là điều kiện rất thuận lợi để thể hiện, giao lưu học hỏi nên các nghệ nhân của Hoài Ân quyết tâm đảm bảo chuẩn bị chu đáo để đón bạn bè. Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Xuân Á, Bí thư Đảng ủy xã Bok Tới, phấn khởi: “Ngày hội VH-TT các dân tộc của tỉnh tổ chức tại huyện Hoài Ân là vinh dự của huyện nói chung, song đó cũng là vinh dự lớn của đồng bào thiểu số miền núi trong huyện. Tuy thời gian tổ chức Ngày hội rơi vào dịp thu hoạch vụ mùa; song việc vận động đồng bào tham gia các hoạt động do Trung tâm VHTT-TT huyện hướng dẫn là trách nhiệm của các ngành, đoàn thể xã và của nhân dân”.
VÕ CHÍ HÀ