Đêm mưu sinh trên biển
Đã hẹn trước với ngư dân Đỗ Ngọc Thiện (thôn Trung Lương, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát), đêm cuối tháng Giêng, tôi có mặt tại bãi Nhỏ dưới chân núi Bà để theo anh đi thuyền thúng thả lưới cá ngoài lộng.
3 giờ sáng, bãi Nhỏ lấp loáng ánh đèn pin và tiếng í ới gọi nhau. Ngư dân Trung Lương đi thành từng nhóm, khiêng thúng ra biển. Đang mùa gió bắc, lại thêm biển động nên những con sóng cứ chồm ngược lên, anh Thiện cùng những ngư dân khác phải nương thúng men theo gành đá, lựa theo dòng chảy để ra biển. Anh Thiện cho biết: “Nhóm của tôi đi lưới cá nên ra biển từ 3 giờ. Một nhóm khác đi lưới mực, lưới ghẹ đã xuất phát từ lúc 2 giờ sáng”.
Sau gần nửa giờ chạy thúng máy ra biển, anh Thiện bắt đầu buông lưới. Mất hơn nửa giờ thả 1.500 mét lưới, nghỉ chừng 15 phút, anh Thiện kéo lưới. 7 giờ 30 phút, việc thu lưới, gỡ cá hoàn tất, chiếc thúng nhỏ đưa chúng tôi trực chỉ vào bờ, kết thúc buổi đánh bắt. Về đến bãi Nhỏ, vợ anh Thiện đã chờ sẵn, để mang cá ra chợ ngã ba Trung Lương bán. Khiêng thuyền thúng lên bờ, anh Thiện và các ngư dân trong nhóm tranh thủ ăn sáng, vá lại lưới, rồi về nhà nghỉ để hôm sau lại tiếp tục bám biển.
Người dân Trung Lương quanh năm sống bằng nghề biển. Nếu đầu tư thúng máy và lưới để đánh bắt quanh năm thì tốn cỡ chừng 60-70 triệu đồng. “Làm nghề lưới đánh bắt cá hố, cá sòng như tui thì chừng hai chục triệu đồng. Hết mùa cá ở đây tui vào Vũng Tàu đi bạn”, anh Thiện chia sẻ.
36 tuổi, hơn hai mươi năm gắn bó với nghề biển, trông anh già dặn hơn so với tuổi của mình. Vợ anh, cũng như bao phụ nữ khác ở Trung Lương, ở nhà chăm sóc con, sáng sáng lại ra bến chờ chồng đi biển về mang cá ra chợ bán. Thu nhập cho một đêm đi lưới trung bình 200-500 ngàn đồng. Nhưng, biển cũng hôm có hôm không.
Buông lưới.
Nương thúng theo những gành đá.
Gỡ cá bằng răng, khi hai tay đều vướng.
Bàn giao “thành quả” cho bà xã mang ra chợ bán.
HOÀI NGUYỄN