Thực hiện NÐ 67/CP tại TP Quy Nhơn: Chưa phát huy hiệu quả
TP Quy Nhơn là địa phương đi đầu tại tỉnh ta trong thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo Nghị định (NÐ) 67/2014 của Chính phủ. Nhưng vì nhiều lý do, nhiều ngư dân sử dụng tàu cá đóng mới theo NÐ 67 khai thác thủy sản chưa đạt kết quả như mong muốn. Ðến nay một số ngư dân xin rút không tham gia NÐ 67/CP.
“Vướng” nhiều bề...
Thực hiện NĐ 67/CP, đến nay TP Quy Nhơn đã được UBND tỉnh phê duyệt 7 đợt danh sách 27 ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng tàu vỏ thép, vỏ gỗ và vỏ composite để khai thác thủy sản ở những vùng biển xa và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Tuy nhiên, hiện có 5 ngư dân không tham gia NĐ 67, trong đó có 1 ngư dân chưa chuẩn bị đủ điều kiện cần thiết; 1 ngư dân xin vay vốn tại Ngân hàng Ngoại thương để đóng tàu, nhưng ngân hàng này không giải quyết vốn vay và 3 ngư dân khác xin rút không tham gia NĐ 67. Còn 22 ngư dân khác tiếp tục tham gia NĐ 67, trong đó có 10 ngư dân hợp đồng đóng tàu cá từ các cơ sở đóng tàu trong nước và đã sử dụng phương tiện để khai thác thủy sản từ 1-6 chuyến biển. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, phần lớn ngư dân đều bị thua lỗ.
Tàu cá Hải Cảng 1 của ông Nguyễn Việt Hằng ở KV 7, phường Hải Cảng đang neo đậu tại khu vực Hải đoàn 48.
Trường hợp của ngư dân Nguyễn Việt Hằng ở KV 7, phường Hải Cảng là một ví dụ. Tàu cá vỏ thép mang tên Hải Cảng 1, số hiệu BĐ 99009-TS hành nghề lưới vây kết hợp câu cá ngừ đại dương của ông Hằng là tàu cá vỏ thép đầu tiên của tỉnh ta thực hiện theo tinh thần NĐ 67/CP đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tàu dài 25 m, rộng 7,2 m, công suất máy chính 880 CV, được trang bị các thiết bị hiện đại với tổng trị giá trên 18 tỉ đồng. Tuy nhiên, tàu này hoạt động khai thác thủy sản chưa hiệu quả.
“Hơn 1 tháng kể từ ngày tiếp nhận tàu từ Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh, tàu vẫn chưa thể hoạt động đánh bắt bởi phải chờ mẫu lưới của ngành chức năng. Sau khi có lưới, tôi “mở biển” nhưng tời máy bị trục trặc, phải vào bờ sửa đi sửa lại nhiều lần. Các chuyến biển tiếp theo thời tiết không thuận lợi, tàu khai thác được ít cá. Tính đến nay tôi đã mở được 6 chuyến biển, nhưng kết quả không như ý. Riêng chuyến thứ 6 cập bến trong tháng 11.2016 lỗ đến 200 triệu đồng”.
Tàu cá vỏ thép của các ngư dân khác như: Nguyễn Chì, Nguyễn Đậu ở phường Hải Cảng; Cao Hoài Bổn, ở phường Đống Đa... cũng chưa phát huy hiệu quả. Riêng ông Đậu đã mở 6 chuyến biển, bị lỗ 200 triệu đồng; ông Chì mở 4 chuyến biển, lỗ 120 triệu đồng.
Theo Phòng Kinh tế TP Quy Nhơn, các ngư dân đều chưa phát huy hiệu quả tàu cá đóng mới theo NĐ 67/CP. Làm ăn không hiệu quả, nên việc tìm các “bạn tàu” cũng gặp không ít khó khăn. Vấn đề đáng quan tâm là tàu cá của ngư dân Nguyễn Việt Hằng đã hết hạn bảo hiểm và một số tàu cá khác cũng gần đến hết hạn bảo hiểm. Theo quy định của NĐ 67/CP, chủ tàu được hỗ trợ 90% chi phí bảo hiểm, nhưng Công ty Bảo hiểm PJICO thông tin là đang chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT, nên đối với những tàu cá đã hết hạn bảo hiểm, nếu tiếp tục mua bảo hiểm thì trước mắt chủ tàu phải nộp 100% phí mua bảo hiểm (khoảng 120 triệu đồng/tàu), khi có hướng dẫn, công ty sẽ hoàn trả lại sau. Với tình hình hiện tại, ngư dân khó mà đảm bảo được mức phí bảo hiểm phải nộp.
Chỗ neo đậu tàu hiện cũng là một vấn đề nan giải. Hiện cảng cá Quy Nhơn chật hẹp trong khi tàu vỏ thép lớn, neo đậu nhiều ngày chiếm chỗ tàu cá khác ra vào bán sản phẩm, nên các chủ tàu phải chuyển tàu đến khu vực biển Hải Minh hoặc phải thuê tạm điểm neo đậu ở khu vực Hải đoàn 48. Ngày nào khu vực cầu cảng của Hải đoàn có nhiều tàu cá neo đậu để tu sửa, ngư dân lại di chuyển tàu của mình đi nơi khác. Tàu không có chỗ neo đậu ổn định, nên việc quản lý tàu gặp nhiều khó khăn; chi phí xăng dầu và công sức để di chuyển tàu cá từ điểm này đến điểm khác cũng không ít.
Khó đảm bảo tiến độ thực hiện NĐ 67/CP
Năm 2017, TP Quy Nhơn đề ra mục tiêu hoàn thành và đưa vào sử dụng thêm 12 tàu cá theo tinh thần NĐ 67/CP. Hiện TP Quy Nhơn đang chỉ đạo ngành chức năng tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân về lợi ích khi tham gia NĐ 67/CP, đồng thời làm việc với các ngân hàng thương mại (NHTM) và với từng chủ tàu để nắm bắt tình hình thực hiện NĐ 67 và những vướng mắc trong quá trình thực hiện; phối hợp với các NHTM, chính quyền, hội - đoàn thể hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Tuy vậy, theo ông Phan Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế TP Quy Nhơn, việc thực hiện NĐ 67/CP đã và đang gặp nhiều khó khăn bởi một số chủ tàu sau khi được duyệt danh sách đóng mới tàu cá đã xin chuyển nghề, chuyển vật liệu đóng tàu, nên phải làm lại phương án sản xuất kinh doanh để thẩm định, phê duyệt lại. Cũng có trường hợp ngư dân phân vân trong việc đăng ký đóng mới tàu, lựa chọn mẫu thiết kế, máy móc, trang thiết bị, ngư cụ, trong khi các cơ sở đóng tàu vỏ thép đều ở ngoài tỉnh, gây khó khăn cho ngân hàng kiểm tra, giám sát việc đóng tàu. Dự toán đóng tàu vỏ thép của một số cơ sở đóng tàu đưa ra còn chưa cụ thể, rõ ràng nên kéo dài thời gian thẩm định và trong quá trình thi công hoàn thiện con tàu... cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện NĐ 67...
“Để chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo tinh thần NĐ 67/CP phát huy hiệu quả, chúng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Định chỉ đạo các NHTM phối hợp tổ thẩm định của địa phương thẩm định hồ sơ đăng ký đóng mới, cải hoán tàu cá của ngư dân, đảm bảo cho các chủ tàu đã được tỉnh phê duyệt được vay vốn đóng mới, cải hoán tàu cá theo quy định. Đồng thời, có kế hoạch làm việc cụ thể với từng chủ tàu được phê duyệt để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp chủ tàu sớm thực hiện ký hợp đồng tín dụng và đóng mới tàu cá theo quy định” - ông Tuấn cho biết.
PHẠM TIẾN SỸ