Cảnh giác với dị vật đường thở
Dị vật thanh khí quản (gọi chung là dị vật đường thở) là một cấp cứu thường gặp ở các chuyên khoa Tai - Mũi - Họng; cần được xử trí kịp thời để tránh biến chứng, tử vong do ngạt tắc đường thở.
Gần đây, các bác sĩ khoa Tai - Mũi - Họng (BVĐK tỉnh) đã tiếp nhận và xử trí kịp thời cho các bệnh nhân có dị vật đường thở là lõi kèn, mảnh vỏ ổi, mảnh nhựa và cả... con vắt. Biểu hiện chung của các trường hợp này là ho sặc sụa, khó thở thanh quản; thở vào chậm, thở vào có tiếng rít, có co lõm lồng ngực.
Ca nội soi lấy dị vật cho bé Nguyễn Công H.
Điển hình là trường hợp bé Nguyễn Công H. (27 tháng tuổi, ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát), bị ho sặc sụa, khó thở ngay sau khi ăn ổi. TTYT huyện Phù Cát tiếp nhận, nghi ngờ dị vật đường thở nên chuyển ngay đến BVĐK tỉnh. Tại đây, các bác sĩ đã thực hiện nội soi khí phế quản và lấy ra được từ khí quản một mảnh vỏ ổi đường kính đến 1,5cm. Sau khi lấy dị vật, bé hết khó thở, sinh hoạt bình thường.
Một trường hợp hy hữu là bệnh nhân Nguyễn Công C. (40 tuổi, ở xã Bình Tường, huyện Tây Sơn). Thỉnh thoảng bệnh nhân hay ho, khạc ra máu tươi kéo dài cả tháng, điều trị tại BVĐK khu vực Phú Phong theo hướng viêm phế quản, bệnh không giảm và được chuyển sang khám Tai - Mũi - Họng. Qua nội soi nghi ngờ dị vật côn trùng sống ký sinh vùng thanh khí quản nên chuyển đến BVĐK tỉnh. Khám nội soi cho thấy có khối màu đen cử động ở vùng hạ thanh môn. Bác sĩ Lê Đình Hướng và ê-kip đã thực hiện nội soi khí phế quản, lấy ra từ khí quản bệnh nhân 1 con vắt dài đến 10cm.
Bác sĩ Hướng cho biết: “Dị vật đường thở là mối quan tâm lớn của các bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng, nhất là đối với trẻ em. Để giải quyết tốt dị vật đường thở, bên cạnh bác sĩ có tay nghề, cần thiết phải có sự chuẩn bị chu đáo về phương tiện, dụng cụ”.
Bác sĩ Hướng khuyến cáo, để đề phòng dị vật đường thở, không nên cho trẻ em chơi đồ chơi, vật dụng có kích thước nhỏ; không bịt mũi để ép trẻ ăn, uống thuốc; không cho ăn các loại thức ăn có hạt dễ hóc như nhãn, mãng cầu, đậu phộng, dưa hấu… nếu ăn người lớn phải bỏ hạt cho trẻ trước khi ăn. Với người lớn, cần bỏ thói quen ngậm dụng cụ khi làm việc; không nên vừa ăn, vừa cười đùa.
MAI LÂM