Những thay đổi trong cán cân vốn FDI-ODI của Trung Quốc
Trong nhiều năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vai trò quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu và sức tăng trưởng của một nền kinh tế giàu nhân lực nhưng nghèo về vốn như Trung Quốc. Nhưng hiện nay vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc đã cao vượt FDI.
Ảnh minh họa. (Nguồn: asiasociety.org)
Số liệu thống kê chính thức cho thấy trong năm 2016, cán cân FDI-ODI của Trung Quốc nghiêng về phía dòng vốn đổ ra nước ngoài. Trong năm 2016, ODI trong lĩnh vực phi tài chính tăng 44,1% lên 170 tỷ USD, vượt FDI đổ vào Trung Quốc hơn 50 tỷ USD.
Trung Quốc hiện là nước có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới. Sau khi kho dự trữ ngoại hối này giảm từ mức “đỉnh” gần 4.000 tỷ USD xuống còn dưới 3.000 tỷ USD vào tháng 1/2017, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã mạnh tay trừng trị các trường hợp chuyển vốn ra nước ngoài phi pháp trong khi tái khẳng định hoạt động kinh doanh bình thường sẽ không bị ảnh hưởng.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) Chu Tiểu Xuyên đầu tháng Ba cũng lên tiếng chỉ trích hoạt động đầu tư ra nước ngoài "quá nóng" trong các ngành như thể thao và giải trí vốn không đóng góp nhiều cho kinh tế Trung Quốc.
Giới quan sát thị trường đã chứng kiến một số dự án bị chấm dứt do các nhà đầu tư không chứng minh được tính hợp lý của các dự án này.
ODI trong các lĩnh vực phi tài chính trong hai tháng đầu năm 2017 giảm 52,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lượng ODI đổ vào các ngành chế tạo, IT và phần mềm tăng./.
Theo KIM DUNG (TTXVN/VIETNAM+)