Tiếp tục vượt khó, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp
5 đợt mưa lũ cuối năm 2016 tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I.2017. Công cuộc tái thiết, vượt khó đã mang lại kết quả. Nhưng, vẫn còn đó những nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương.
Những vấn đề trên đã được đưa ra đánh giá, thảo luận tại hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện kinh tế - xã hội quý I và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm quý II.2017 trên địa bàn tỉnh, do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu chủ trì, ngày 28.3.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng (người đứng) cho biết nhiều vấn đề DN nêu ra tại các phiên đối thoại với lãnh đạo tỉnh chưa được các sở, ngành liên quan giải quyết thấu đáo, triệt để. Ảnh: THU HIỀN
Vừa tái thiết, vừa đầu tư phát triển
Thông tin từ Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Thúc Đĩnh cho biết, quý I.2017, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) ước đạt 9.889,2 tỉ đồng, tăng 7,15%. Trong đó: nông, lâm, thủy sản tăng 3,08%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,5%; dịch vụ tăng 8,95%. Nhìn nhận một cách tổng thể, kết quả GRDP này chưa đạt mục tiêu đề ra của năm (7,7%) và chậm hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm 2016 là 0,26%.
Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh vừa khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, vừa đầu tư phát triển là điều đáng ghi nhận. Đáng chú ý, tình hình sản xuất công nghiệp có xu hướng chuyển biến tích cực. Đi vào cụ thể, bà Nguyễn Thị Mỹ - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, cho biết giá trị tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 2.792 tỉ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ (quý I.2016 tăng 10,64%), riêng ngành công nghiệp đạt 2.243,9 tỉ đồng, tăng 8,95% (quý I.2016 tăng 10,47%).
“Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh khởi sắc do tác động chủ yếu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị sản xuất chiếm tỉ trọng cao (96,1%). Một số sản phẩm chủ yếu của tỉnh có đóng góp cao như thức ăn gia súc sản lượng tăng 25,98%, dung dịch đạm huyết thanh tăng 25,5%; các sản phẩm may mặc tăng thấp nhất 15,4% và tăng cao nhất 26,04%, cấu kiện thép tăng 20,65%, phi lê cá tăng 8,2%...” - bà Mỹ phân tích.
Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, an sinh xã hội và đời sống nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định. Theo ông Nguyễn Mỹ Quang - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, tỉnh tập trung khắc phục hậu quả của các đợt lũ lụt cuối năm 2016. 756 nhà sập hoàn toàn do các địa phương báo cáo lên, tỉnh đã lập đoàn kiểm tra quyết định hỗ trợ hơn 600 nhà, còn 88 nhà rơi vào diện lấn chiếm, hư hỏng nhẹ nên không đủ điều kiện. Đến nay, theo báo cáo nhanh từ các dịa phương đã có hơn 400 nhà xây dựng xong.
Quý 1.2017, giá trị tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,5% so với cùng kỳ.
- Trong ảnh: Sản xuất gạch không nung của HTX sản xuất đá xây dựng Bình Đê (Hoài Nhơn). Ảnh: VĂN LƯU
Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản
Một thông tin đáng chú ý tại hội nghị là trong 3 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã có 23 doanh nghiệp (DN) giải thể (giảm 46% so cùng kỳ), nhưng lại có đến 97 DN phải tạm ngừng hoạt động (tăng 42,2% so cùng kỳ). Theo đánh giá của ngành Công Thương, các DN còn gặp một số khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng mạnh nhất là không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu, tập trung ở các ngành may mặc, sản xuất thuốc; tính cạnh tranh của hàng trong nước cao, tập trung ở các ngành chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống; thiếu nguyên liệu tập trung ở các ngành chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, sản phẩm từ khoáng phi kim loại.
Có một điểm đáng lo ngại trong các vấn đề xã hội được đặt ra tại hội nghị này là tình trạng người lang thang xin ăn diễn biến phức tạp. Theo ông Nguyễn Mỹ Quang, một phần do Bình Ðịnh đang ngày càng phát triển về du lịch nên “thu hút” người lang thang về đây. “Một phần nữa là việc thu gom người lang thang xin ăn cũng có “vấn đề” khi một số địa phương có dấu hiệu “ngãng ra”. Quan trọng là phải tổ chức thường xuyên, chứ không phải mỗi năm chỉ làm một, hai đợt. Cũng cần xác định rõ, đây là trách nhiệm của các địa phương, chứ không phải của Sở Du lịch, hay Sở LÐ-TB&XH” - ông Quang nói.
Trong khi đó, theo ông Man Ngọc Lý - Giám đốc Sở Công Thương, việc giải quyết vướng mắc của các DN trong thời gian gần đây chưa được liên tục. “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bình Định năm nay tăng 2 bậc từ vị trí 20 lên 18, và nằm ở nhóm Tốt của cả nước. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề chưa giải quyết được cho DN. Lãnh đạo một số tỉnh đã có nhiều kênh đối thoại trực tiếp, giải quyết nhanh các vướng mắc của DN, trong khi chúng ta vẫn giải quyết qua văn bản nên rất chậm” - ông Lý phân tích.
Ông Lý cũng nêu ví dụ cụ thể về trường hợp một DN vướng về thủ tục, nguyên nhân là do các thủ tục mà cơ quan chức năng “tự đặt ra”. “Quy chế phối hợp giải quyết các thủ tục cho DN hiện nay cũng rất rườm rà, lòng vòng. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành để đảm bảo giải quyết nhanh, gọn các vấn đề của DN” - ông Lý đề đạt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cũng bức xúc nói: “Chúng ta cố gắng làm đúng chức năng quản lý và hỗ trợ, đừng đẻ ra thủ tục nữa, rút gọn chừng nào hay chừng ấy cho DN. Các công trình đầu tư phải làm mặt bằng rồi cấp giấy đầu tư cho DN, đừng để cấp giấy chứng nhận xong rồi mới làm giải phóng mặt bằng thì phải mất ít nhất 3 năm chờ đợi như vậy, nhà đầu tư cũng nản”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng cũng đồng quan điểm khi cho rằng, nhiều khi cơ quan quản lý Nhà nước cứ tự đề ra những thủ tục rườm rà. Trong các cuộc đối thoại, nhiều vấn đề của DN nêu ra, tỉnh giao sở, ngành liên quan giải quyết cũng không thấu đáo, triệt để. Ông Thắng yêu cầu ngay trong tháng 4.2017 này, Sở KH-ĐT phải tập hợp ý kiến của các DN và phối hợp với các ngành liên quan để tổ chức đối thoại giữa UBND tỉnh với DN.
Mời cơ quan chức năng vào cuộc thẩm định chất lượng tàu cá vỏ thép
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Trần Văn Hương cho biết, địa phương này có 12 tàu cá vỏ thép mới đóng theo chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Nghị định 67/2014 của Chính phủ, nhưng một số không đảm bảo chất lượng, không thể ra khơi đánh bắt. “Như thế này thì ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân lắm, đặc biệt là áp lực trả nợ!” - ông Hương lo lắng nói. Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Trọng Hổ cũng thừa nhận, có tình trạng tàu vỏ thép mới đóng chưa đảm bảo chất lượng để ra khơi. Sở NN&PTNT đã trực tiếp kiểm tra, và mời các đơn vị liên quan vào cuộc trong tuần này.
THU HIỀN