Góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự năm 2015:
Ý kiến trái chiều về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
Tại Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, do Ðoàn ÐBQH tỉnh tổ chức mới đây, các đại biểu cho rằng Dự thảo Luật còn nhiều nội dung cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, trong đó, nội dung phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi được nhiều đại biểu quan tâm.
Đại diện Công an tỉnh kiến nghị: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ chịu trách nhiệm hình sự đối với tội cố ý gây thương tích trong trường hợp ít nghiêm trọng và nghiêm trọng nếu tái phạm sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này.
Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi (Khoản 2, Điều 12 của BLHS năm 2015), theo Dự thảo, có 2 phương án. Phương án 1: Giữ như quy định của BLHS năm 2015. Theo đó, đối với 3 tội: cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; hiếp dâm; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Phương án 2: Chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh trên.
Đại biểu Lê Kim Chinh, cán bộ Sở Tư pháp, cho rằng: “Thực tiễn thì tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm đang trẻ hóa. Nếu lấy lý do nhân đạo mà xử lý nhẹ với các đối tượng này thì sẽ sinh ra hiện tượng nhờn luật, coi thường pháp luật và gây tác hại, hậu quả lớn cho xã hội. Vì vậy, cần phải có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với người phạm tội ở độ tuổi này, nhằm giáo dục ý thức pháp luật và răn đe, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật”.
Trong khi đó, ông Đỗ Tấn Phước, Trưởng Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án trị an, an ninh, ma túy, Viện KSND tỉnh, nêu ý kiến: Quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi (thực chất là trẻ em) cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng là chưa hợp lý, vì nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội chủ yếu là cải tạo, giáo dục. Vậy nên ông Phước đề nghị cần quy định chung như BLHS năm 1999 là: Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. “Bởi giáo dục học sinh, thanh thiếu niên là trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội, để cho các em đánh nhau (một ví dụ về tội cố ý gây thương tích, tội ít nghiêm trọng - NV) có phần lỗi của chúng ta, của người lớn, chứ không phải lấy pháp luật hình sự với chế tài nghiêm khắc của Nhà nước để áp dụng với trẻ em, bắt trẻ em vào tù vì đánh nhau, như vậy chưa đúng về đạo lý”, ông Phước nói.
Dẫn chứng thực tế từ công tác quản lý, giáo dục trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, thượng tá Huỳnh Dư Phi Long, Phó Trưởng Công an TP Quy Nhơn, cho biết: Đã có nhiều trường hợp, sau khi ở cơ sở giáo dục, trại giáo dưỡng trở về, mức độ tái phạm và phạm tội của các em nặng hơn, manh động. Do đó nên chăng có biện pháp xử lý hành chính trước để hạn chế bước đầu những vi phạm mang tính chất ít nghiêm trọng.
Cần đảm bảo công bằng khi áp dụng hình phạt tử hình
Góp ý về quy định hình phạt thi hành án tử hình, các đại biểu đều cho rằng ban soạn thảo cần xem lại vấn đề nhân đạo khi không áp dụng hình phạt tử hình đối với những trường hợp trên 75 tuổi, vì như vậy là không đảm bảo nguyên tắc công bằng trong thực thi pháp luật và quyền con người theo quy định của Hiến pháp. Ông Ðỗ Tấn Phước phân tích: “Cần căn cứ vào mức độ phạm tội mà truy cứu phù hợp với mức độ và tội danh, nhằm đảm bảo mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Chứ không nên, tội danh đó với người trẻ thì xử tử hình mà người trên 75 tuổi lại khoan hồng là không phù hợp”.
Ðồng quan điểm, ông Võ Xuân An, thành viên Hội đồng Tư vấn pháp luật tỉnh, cũng cho rằng, nên căn cứ vào mức độ phạm tội mà xử phạt, bởi đối với người phạm tội lớn tuổi, đôi khi còn thủ đoạn, tinh vi và gây hậu quả nghiêm trọng hơn người trẻ.
KIỀU ANH