Thiếu vốn sửa chữa các tuyến tỉnh lộ xuống cấp
Toàn tỉnh hiện có 12 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 455 km. Hầu hết các tuyến tỉnh lộ đều được thảm bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, phát triển KT-XH tại địa phương. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng, lại bị tàn phá bởi thiên tai mưa lũ, nhiều tuyến đường đang xuống cấp nặng.
Nhiều tuyến đường xuống cấp
Theo Sở GTVT, liên tiếp các đợt mưa lũ xảy ra vào cuối năm 2016 đã gây thiệt hại khá nặng nề đối với hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh, trong đó có hạ tầng giao thông. Đáng chú ý là tại 12 tuyến tỉnh lộ có đến 128 km đường bị hư hỏng mặt đường, 310 điểm sạt lở mái ta-luy, 110 cống tiêu thoát nước bị vỡ đứt, 44 cầu bị sập hoàn toàn, ước tính tổng thiệt hại khoảng 420 tỉ đồng. Xuống cấp nghiêm trọng nhất gồm các tuyến: ĐT 639B đoạn từ km98+500- km111+245; ĐT 629 (Bồng Sơn - An Lão), ĐT 630 (Cầu Dợi - Kim Sơn), ĐT 640 (Ông Đô - Cát Tiến), ĐT 639 (Nhơn Hội - Tam Quan)…
Khôi phục sạt lở mái ta-luy trên tuyến tỉnh lộ 639B đoạn qua địa bàn xã Cát Lâm (Phù Cát).
Tỉnh lộ 629 có chiều dài trên 40 km, là huyết mạch giao thông nối liền huyện miền núi An Lão với huyện Hoài Nhơn hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, nặng nhất phải kể đến đoạn từ thôn Mỹ Thành, xã Ân Tín (Hoài Ân) đến thôn Hưng Nhơn, thị trấn An Lão (An Lão) với chi chít “ổ voi, ổ gà” trên mặt đường. Thực trạng này khiến việc giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn và luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Một số đoạn trên tuyến đường ven biển (ĐT 639) cũng bị xuống cấp nặng, xuất hiện tình trạng bong dộp mặt đường; nhiều “ổ voi, ổ gà”. Tuyến ĐT 631 (cầu Dợi - Kim Sơn) đoạn từ km3+500 - km6 tuy mới được nâng cấp nhưng cũng bị xuống cấp. Tuyến đường này chỉ cho phép xe có tải trọng dưới 13 tấn lưu thông, nhưng hầu hết xe tải chở gỗ rừng trồng, đất đá, vật liệu xây dựng… đều chất đến 20-30 tấn.
Cầu Trắng trên tỉnh lộ 639B gãy gần như muốn sập.
Theo ông Trần Văn Dới - Giám đốc Công ty cổ phần Giao thông thủy bộ Bình Định - đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì các tuyến tỉnh lộ: Sở dĩ nhiều tuyến đường tỉnh bị xuống cấp là do quá lâu không được nâng cấp, sửa chữa. Bên cạnh đó, phương tiện vận tải gia tăng, mặt đường nhỏ hẹp cũng là nguyên nhân dẫn đến đường xuống cấp nhanh. Phần lớn nền, mặt đường các tuyến tỉnh lộ ở tỉnh ta chỉ rộng bình quân 5 - 6m, nên khi phương tiện tránh nhau phải đi xuống bên lề, phá hỏng mặt lề, dần dần phá hỏng lòng đường. Hệ thống tỉnh lộ còn phải gánh chịu nhiều trận lũ lụt liên tiếp gây hư hỏng và xuống cấp nhanh vì hầu hết các tuyến đường đều có cao trình thấp, khi mưa lũ thường bị ngập, nước tràn qua mặt đường. Phần lớn mái ta-luy âm, ta-luy dương, nền đường được gia cố bằng đất, thiếu kiên cố, vững chắc, nên khi mưa lũ và xe quá tải lưu thông nền đường bị sụt lún, gây hư hỏng nặng.
Thiếu vốn duy tu, bảo dưỡng - “căn bệnh” kéo dài
Ông Trần Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết: “Nhiều năm qua, UBND tỉnh đã quan tâm bố trí vốn cho công tác sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường tỉnh. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hàng năm còn hạn hẹp nên việc duy tu, sửa chữa thường chắp vá, không đảm bảo đúng quy định. Bên cạnh đó, lưu lượng xe cộ lưu thông ngày càng lớn, càng làm cho đường sá xuống cấp nhanh”.
Ông Trần Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở GTVT: Năm 2017, Bình Ðịnh là một trong 10 tỉnh, thành trong cả nước được Bộ GTVT chọn tham gia Dự án Quản lý tài sản đường địa phương và xây dựng cầu dân sinh (viết tắt là dự án LRAMP) do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ vốn vay. Theo dự án được duyệt, để thực hiện hợp phần quản lý đường tại tỉnh ta có tổng vốn đầu tư gần 193 tỉ đồng, nhằm sửa chữa, nâng cấp 10 đoạn tuyến giao thông, gồm: ÐT 633 (Chợ Gồm - Ðề Gi); ÐT 636B (Gò Bồi - Lai Nghi), ÐT 639 (Nhơn Hội - Tam Quan), ÐT 639B (Chương Hòa - Nhơn Tân)… Dự kiến, các hạng mục này sẽ được khởi công trong quý II.2017.
Ông Trần Văn Dới cho biết thêm: Năm 2017, kinh phí tỉnh cấp cho công tác quản lý, bảo trì các tuyến tỉnh lộ do đơn vị quản lý trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 14,2 tỉ đồng. So với tổng số 403 km tỉnh lộ chỉ có khoảng 25 triệu đồng/km/năm để phục vụ duy tu, sửa chữa; so với quy định chung của Bộ GTVT thì chỉ đáp ứng khoảng 35-40%. Do vậy, đơn vị đảm nhận công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng đã phải cắt bớt một số hạng mục trong quy định như: đếm phương tiện qua lại, đo cường độ mặt đường, đo độ trơn trợt, độ xóc bằng phẳng, xử lý sình lún, chống chảy mặt đường… Các hạng mục còn lại cũng bị cắt giảm đi một khối lượng lớn so với định mức quy định. Cũng do thiếu vốn, những đoạn đường hư hỏng nhưng không được sửa chữa đúng định kỳ hoặc sửa chữa theo kiểu “giật gấu vá vai” là nguyên nhân khiến hệ thống tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh xuống cấp nhanh hơn.
Ông Lê Thiện Thông, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính thuộc Sở GTVT, cho hay: “Do thiếu hụt tài chính nên các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh không được quản lý, bảo trì theo đúng quy định. Nếu tình trạng này không được khắc phục, chỉ chừng vài năm nữa phần lớn các tuyến tỉnh lộ sẽ bị hư hỏng và phải làm mới trở lại. Hiện nay, Sở GTVT đang tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh, Bộ GTVT hỗ trợ thêm kinh phí từ các chương trình, dự án để phục vụ việc nâng cấp, sửa chữa các tuyến tỉnh lộ”.
Bài và ảnh: NGUYỄN HÂN