Sân chơi văn nghệ thiếu nhi, thiếu niên ở Tuy Phước: Lôi cuốn, lan tỏa mạnh mẽ
Nhiều năm qua, Tuy Phước là địa phương có phong trào văn nghệ thiếu nhi, thiếu niên phát triển sôi nổi, rộng khắp. Ðiểm nổi bật là Tuy Phước đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tạo ra nhiều sân chơi văn nghệ có sức lôi cuốn, lan tỏa mạnh mẽ.
Ðáp ứng nhu cầu thực tế
Mới đây (16 - 17.3), Huyện đoàn và Phòng GD&ĐT phối hợp tổ chức Hội thi Giai điệu tuổi hồng. 44 đội văn nghệ, đại diện cho 44 trường TH, THCS trong huyện, mang đến hội thi 132 tiết mục, đa dạng về loại hình, hình thức thể hiện, làm nên giai điệu tháng Ba rộn rã, là món quà ý nghĩa mà thiếu nhi Tuy Phước mừng sinh nhật lần thứ 86 của Đoàn.
Một tiết mục tại Hội thi Giai điệu tuổi hồng - huyện Tuy Phước năm 2017.
Điều đáng nói là, văn nghệ thiếu nhi ở Tuy Phước không chỉ bùng lên hào hứng, phong phú, đa dạng ở một thời điểm cụ thể hay gắn với hoạt động kỷ niệm nào đó. Đây là nhu cầu, sinh hoạt giải trí của học sinh, nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện để sinh hoạt, phát triển của các ngành chức năng ở địa phương.
Thầy Trần Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Tuy Phước chia sẻ, nhà trường có thể tổ chức được nhiều hoạt động phong trào quy mô và phong phú, là nhờ có sự đóng góp lớn từ phụ huynh, nhà hảo tâm.
Đi đầu trong vấn đề này là Trung tâm VH-TT&TT, Huyện đoàn, Phòng GD&ĐT, mỗi đơn vị hoặc tự mình tổ chức hoặc phối hợp tổ chức, đã tạo ra một số sân chơi văn nghệ, đa dạng về thể loại, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và bồi dưỡng, phát triển năng khiếu cho thiếu nhi huyện nhà.
Theo ông Võ Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy Phước, tháng 1.2017, lần đầu tiên, Tuy Phước tổ chức Liên hoan Gương mặt tài năng nhí huyện Tuy Phước. Liên hoan thu hút hơn 150 năng khiếu tham gia, đa phần là biểu diễn đơn, đa dạng về thể loại như hát, múa, biểu diễn nhạc cụ, ảo thuật, kể chuyện, đóng kịch…
Khác với các game show thường thấy trên truyền hình, các hoạt động văn nghệ phong trào của Tuy Phước - mà Liên hoan vừa kể là ví dụ - chủ yếu hướng tới mục tiêu: đáp ứng nhu cầu phát triển của văn nghệ thiếu nhi, kịp thời khuyến khích, bồi dưỡng hạt nhân phát huy năng khiếu, tạo không gian giải trí cho cộng đồng. Thực tế cho thấy, khán giả Tuy Phước đón nhận các tiết mục trình diễn của các “nghệ sĩ” măng non tại một sân chơi rất nồng nhiệt.
Sức hút và sự quan tâm của cộng đồng
Tháng Ba - tháng sinh nhật Đoàn, đâu đâu cũng rộn ràng những chương trình văn nghệ chào mừng, kỷ niệm. Tuy vậy, một chương trình văn nghệ cấp trường thu hút đến cả vài ngàn khán giả như Hội thi Nét đẹp đoàn viên diễn ra tối 22.3 ở trường THCS thị trấn Tuy Phước có lẽ khá hiếm gặp.
Thầy Trần Văn Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Dịp 26.3 hay 20.11 hằng năm, trường đều tổ chức văn nghệ, lần nào khán giả cũng rất đông, không chỉ học sinh trong trường, ngoài trường mà đông đảo phụ huynh, người dân địa phương cũng quan tâm đến xem. Năm nay, Ban tổ chức muốn đổi mới nội dung, vừa biểu diễn văn nghệ vừa tổ chức thi Nét đẹp đoàn viên, khán giả đông hơn hẳn các năm. Chẳng phải vì học sinh của trường biểu diễn văn nghệ hay hơn các nơi đâu, chỉ là người dân Tuy Phước vốn yêu thích văn nghệ và hơn cả là sự để tâm, tham dự như một cách chia vui, động viên các em ra sức học tập”.
Anh Trịnh Huy Kiên, Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội Ðoàn - Ðội huyện cho biết: “Huyện đoàn, ngành văn hóa, ngành giáo dục huyện… gặp gỡ nhau ở tâm huyết cố gắng hết mức để tạo sân chơi bổ ích cho thiếu nhi, phục vụ nhu cầu giải trí tinh thần cho các em, qua đó giáo dục tư tưởng, định hướng thẩm mỹ… Nếu chỉ bằng nguồn kinh phí của mỗi đơn vị, cả phối hợp tổ chức thì vẫn rất nghèo nàn hoạt động, quy mô và hiệu quả có phần hạn chế. Ðiều khích lệ chúng tôi là việc kêu gọi xã hội hóa để tổ chức các hoạt động cho thiếu nhi được người dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… trong và ngoài huyện hưởng ứng tích cực, hỗ trợ lớn để chúng tôi thực hiện nhiệm vụ, tâm huyết của mình”.
Không chỉ trong nhà trường, tại một số hoạt động văn hóa cho thiếu nhi ở cấp xã của huyện, có trực tiếp tham dự, chứng kiến mới thấy được sức lôi cuốn không chỉ với đối tượng thụ hưởng là thiếu nhi. Điển hình như Hội trại Trung thu truyền thống xã Phước Lộc, diễn ra định kỳ 5 năm/lần - một hoạt động được duy trì hiệu quả từ năm 1985 đến nay. Được biết, chi phí tổ chức Hội trại mỗi lần cần khoảng 200 triệu đồng, phần lớn cũng từ huy động các nguồn tài trợ và nhân dân địa phương đóng góp.
Không chỉ gây ấn tượng về số lượng sân chơi hay sức lôi cuốn, các sân chơi văn hóa văn nghệ cho thiếu nhi ở Tuy Phước còn mang một điểm chung: gần như không sử dụng nguồn ngân sách, chủ yếu được tổ chức bằng nguồn huy động từ cộng đồng. Đằng sau mỗi chương trình, hoạt động, là tâm huyết, kết quả nỗ lực của các đơn vị tổ chức và sự chung tay đầy trách nhiệm của nhà hảo tâm, cộng đồng dành cho thiếu nhi.
SAO LY