Chính quyền xã có được phép cho khai thác khoáng sản?
Gần đây, việc khai thác tài nguyên khoáng sản tại một số địa phương diễn ra theo chiều hướng phức tạp. Trong số này, có những vụ việc được sự cho phép của chính quyền cấp xã như ở Cát Lâm (Phù Cát) và Canh Thuận (Vân Canh).
Cát Lâm: Xã cho tư nhân khai thác đất sét?
Người dân ở thôn Hiệp Long, xã Cát Lâm (Phù Cát) gọi điện đến báo Bình Định, phản ánh: gần đây, một số cá nhân ngang nhiên đưa phương tiện cơ giới (xe đào, xe ben) vào khu vực đất có tục danh Bờ Bạn khai thác đất trái phép, song chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Khu vực đất có tục danh Bờ Bạn, thuộc xóm Cây Me, thôn Hiệp Long, xã Cát Lâm (Phù Cát) là nơi được xã Cát Lâm tự ý cho cá nhân vào lấy đất.
Ngày 29.3, tiếp cận công trường khai thác đất trái phép, chúng tôi thấy cả vùng đất rộng hàng ngàn mét vuông, phẳng phiu đã tan hoang. Hầm hố, đồi bãi ngổn ngang. Một chiếc xe đào đang xúc đất đổ lên những xe ben để vận chuyển đi nơi khác. Theo lời người dân, tình trạng này đã kéo dài hơn một tháng qua. Mỗi ngày, có hàng chục lượt xe ben Chiến Thắng nối đuôi nhau chạy ầm ầm suốt ngày đêm.
Một hộ dân ở thôn Hiệp Long bức xúc nói: “Bà con phản ánh nhiều lắm, và đã báo cáo lên xã. Việc chính quyền xã kiểm tra, giải quyết như thế nào thì chúng tôi không rõ, nhưng tình trạng này diễn ra từ sau Tết đến nay. Xe ben chở đất không che chắn kỹ lưỡng nên mỗi lần xe chạy là đất rơi vãi xuống đường, phát sinh bụi bặm khiến bà con bất bình”.
Ngày 29.3, trao đổi với PV về hoạt động khai thác đất đang diễn ra tại khu vực trên, ông Nguyễn Văn Lợi, cán bộ địa chính UBND xã Cát Lâm, khẳng định đây là hoạt động cải tạo đất chứ không phải là khai thác đất trái phép. “Khu vực đất đang cải tạo thuộc thửa đất 121, tờ bản đồ số 19; diện tích cải tạo 3.000m2 từ tháng 2.2017 đến hết ngày 15.3.2017. Việc này đã được Đảng ủy xã thông qua và cho ông Trần Hữu Nhẫn (trú xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát) làm”- ông Lợi nói nhưng lại từ chối cung cấp hồ sơ liên quan đến “chủ trương” cải tạo đất mà PV yêu cầu.
Còn ông Trương Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Lâm, cho rằng khu vực lấy đất thuộc đất công ích do xã quản lý. Do địa hình khu đất này cao, canh tác hoa màu không hiệu quả, nên xã có chủ trương cho ông Nhẫn cải tạo để sau này tạo điều kiện cho dân sản xuất. Ông Hạnh cũng từ chối cung cấp hồ sơ cũng như giấy phép liên quan về hoạt động cải tạo, và nói: “Mình cải tạo đất, chứ có bán chác gì đâu. Vả lại, cải tạo có ít mà làm thủ tục xin chủ trương từ cấp có thẩm quyền làm gì. Ban chấp hành Đảng ủy xã đồng ý là được rồi”.
Để rõ hơn về công tác quản lý tài nguyên, trình tự thủ tục, ý kiến đánh giá về hoạt động “cải tạo” đất ở xã Cát Lâm, PV liên lạc qua điện thoại với ông Tạ Công Thượng, Trưởng phòng TN-MT huyện Phù Cát và gặp trực tiếp ông Huỳnh Văn Trúc, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Phù Cát để nắm thông tin thêm. Tuy nhiên, cả 2 ông đều từ chối trả lời vì “không phải là người có thẩm quyền phát ngôn”.
Canh Thuận: DN có “đóng góp” nên chỉ “giơ cao đánh khẽ”!
Còn theo phản ánh của bà con làng Kà Xiêm, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, từ tháng 8.2016 đến nay, DNTN xây dựng Văn Minh (trụ sở tại thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh) thường xuyên đưa phương tiện cơ giới vào bãi bồi sông Hà Thanh đoạn qua làng Kà Xiêm để khai thác cát trái phép. Dù bà con địa phương đã phản đối kịch liệt và đã nhiều lần phản ánh lên UBND xã đề nghị xử lý dứt điểm tình trạng này, nhưng không hiểu vì sao đến nay việc này vẫn không được xử lý. Ông Chăm So Khánh, ở làng Kà Xiêm, Canh Thuận bức xúc: “Từ năm ngoái đến nay, DN Văn Minh vẫn thường xuyên vào khai thác, bất chấp sự phản đối của người dân. Thậm chí, khi tôi rào đường không cho xe vào vận chuyển cát vì sợ làm hỏng ruộng đất gia đình, DN này còn cho người đến tháo dỡ lấy đường cho xe vào tiếp tục khai thác, vận chuyển”. Sau đó, sợ ông Khánh tiếp tục phản đối, DNTN Văn Minh cho đào một cái ao để ông thả cá, đổi lại, ông Khánh không được phản ánh lên chính quyền nữa. “Để tránh bị người dân “theo dõi”, DN chỉ khai thác cát vào lúc sáng sớm”- ông Khánh nói thêm.
Xe của DNTN xây dựng Văn Minh đang khai thác cát tại bãi bồi sông Hà Thanh, đoạn qua làng Kà Xiêm, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh.
Làm việc với chúng tôi, ông Lê Văn Phú, Giám đốc DNTN Văn Minh, khẳng định việc DN khai thác cát tại khu vực sông Hà Thanh là không hề vi phạm pháp luật vì DN đã có đơn đề nghị lên chính quyền địa phương xin khai thác cát và đã được UBND xã Canh Thuận đồng ý.
Ông Đinh Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Canh Thuận, xác nhận: Thời gian qua, chính ông là người đã ký giấy đồng ý cho DNTN Văn Minh khai thác cát đoạn qua làng Kà Xiêm; đổi lại DN sẽ lấy cát này làm đường bê tông nông thôn trong xã và huyện. Việc làm này cũng phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, từ nhiều năm nay, mỗi khi xã hoặc làng có tổ chức sự kiện nào DN này cũng hỗ trợ kinh phí; vì vậy, chính quyền xã chỉ xử lý kiểu “giơ cao đánh khẽ” (!?).
Khi chúng tôi yêu cầu được xem giấy tờ chứng minh việc khai thác cát của DN trên sông Hà Thanh là đúng pháp luật, thì cả ông Phú lẫn UBND xã Canh Thuận đều không đưa ra được đơn xin khai thác đã được chính quyền xã xác nhận hay hợp đồng khai thác nào. Liệu UBND xã Canh Thuận có đủ thẩm quyền cấp phép cho DN khai thác cát?
Trong tình hình khai thác tài nguyên khoáng sản đang diễn biến có chiều hướng phức tạp, đề nghị các ngành chức năng địa phương và của tỉnh xem xét, kiểm tra các vụ việc trên, trả lời cho dư luận địa phương được rõ.
Báo Bình Định sẽ tiếp tục thông tin.
TRỌNG LỢI - CÔNG BẰNG