Sản xuất vụ Hè Thu năm 2017: Ðiều tiết nước tưới hợp lý, chủ động phòng chống hạn
Theo nhận định của ngành chức năng, nước tưới cho vụ Hè Thu (HT) năm nay không căng thẳng như vụ này năm trước, nhưng hạn cục bộ có thể xảy ra ở một số địa phương. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Phan Xuân Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (thuộc Sở NN&PTNT), về vấn đề này.
● Xin ông cho biết lượng nước hiện hữu tại các công trình thủy lợi (CTTL) trên địa bàn tỉnh và kế hoạch tưới tiêu phục vụ sản xuất vụ HT năm nay?
- Sau khi cung cấp nước tưới cho vụ sản xuất Đông Xuân 2016 - 2017 thì 164 hồ chứa trong tỉnh còn tích khoảng 476/578 triệu m3 nước, đạt 82% so với dung tích thiết kế. Trong đó, 15 hồ chứa do Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định quản lý còn 370/458 triệu m3 nước; các hồ chứa do các địa phương quản lý còn 106/120 triệu m3.
So với vụ này năm trước, lượng nước vụ HT năm nay dồi dào hơn. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ, thời tiết tỉnh ta từ tháng 4 - 8 là thời kỳ ít mưa, mực nước các sông trong tỉnh có xu thế giảm chậm và duy trì ở mức thấp. Trên cơ sở nguồn nước hiện có và dự báo diễn biến thời tiết thời gian tưới, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch tưới cho cây trồng vụ HT.
Vụ HT năm nay, toàn tỉnh sản xuất 55.885 ha cây trồng, trong khi các CTTL trên địa bàn tỉnh đảm bảo nước tưới cho 46.853 ha (gồm 42.553 ha lúa và 4.300 ha hoa màu). Trong đó các CTTL do Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định quản lý đảm bảo tưới cho 27.120 ha
(25.435 ha lúa và 1.685 ha màu); các CTTL do địa phương quản lý cung cấp nước tưới cho 19.623 ha (trên 18.000 ha lúa và 1.540 ha màu). Qua kiểm tra, còn trên 9.000 ha cây trồng (355 ha lúa và 8.677 ha hoa màu) vụ HT chưa đảm bảo nước tưới và có khả năng bị hạn.
Nguồn nước sinh hoạt cũng sẽ gặp khó khăn. Dự báo trong vụ HT toàn tỉnh có khoảng 6.348 hộ dân với trên 25.000 người dân sẽ bị thiếu nước sinh hoạt.
Tu sửa, nâng cấp một tuyến kênh mương trên địa bàn xã Bình Tân, Tây Sơn. Ảnh: NGUYỄN HÂN
● Diện tích cây trồng có khả năng bị hạn và số hộ dân thiếu nước sinh hoạt tập trung ở địa phương nào, mức độ đến đâu, thưa ông?
- Diện tích cây trồng chưa đảm bảo nước tưới có khả năng bị hạn tập trung chủ yếu tại Phù Mỹ - 2.710 ha;
Phù Cát trên 2.000 ha; Hoài Nhơn 2.876 ha, Hoài Ân 777 ha; Tây Sơn 208 ha... Diện tích cây trồng ở Phù Mỹ có khả năng bị hạn thuộc địa bàn các xã: Mỹ Hiệp, Mỹ Hòa, Mỹ Trinh, Mỹ Tài, Mỹ Châu, Mỹ Lộc, Mỹ Chánh Tây, Mỹ Cát, Mỹ Đức - nơi có các hồ chứa nước nhỏ và có đập dâng lấy nước từ các con suối. Ngoài ra, nhiều diện tích cây trồng thuộc khu tưới hồ Hội Sơn cũng có thể bị hạn. Tại Hoài Nhơn, diện tích cây trồng có thể bị hạn chủ yếu ở các xã Hoài Sơn, Hoài Thanh Tây, Hoài Hảo, Hoài Châu Bắc, Hoài Châu. Với huyện Hoài Ân, diện tích có khả năng bị hạn tập trung tại các xã Ân Hảo Đông, Ân Tường Tây, Ân Phong, Bok Tới...
Huyện An Lão có khoảng 400 hộ có khả năng thiếu nước sinh hoạt; Hoài Ân 500 hộ, Phù Mỹ 1.400 hộ, Phù Cát 950 hộ, Tây Sơn 550 hộ, Vĩnh Thạnh 280 hộ, Vân Canh 468 hộ, TX An Nhơn 500 hộ, Tuy Phước 300 hộ và TP Quy Nhơn 1.000 hộ. Thời gian thiếu nước nghiêm trọng nhất khoảng giữa tháng 6 đến cuối tháng 8, lúc cao điểm có thể có tới 8.000 hộ thiếu nước sinh hoạt.
● Ngành Nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương sẽ triển khai những biện pháp gì để hạn chế thiệt hại do hạn hán có thể xảy ra, đảm bảo hiệu quả sản xuất?
- Sở NN&PTNT đã thành lập các tổ công tác phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, đánh giá lượng nước hiện có tại các hồ chứa, lưu lượng dòng chảy các sông, suối, xác định rõ khu vực thiếu nước, khu vực có nguy cơ thiếu nước; thông tin kịp thời, chính xác tình hình hạn hán cho người dân biết để chủ động bố trí sản xuất và chủ động phòng chống hạn hán có thể xảy ra. Hướng dẫn các đơn vị quản lý thủy nông, chính quyền các địa phương và hộ sử dụng nước thực hiện giảm ít nhất 10% lượng nước tưới so với bình thường thông qua việc điều tiết và tưới tiết kiệm.
Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định quản lý chặt chẽ lượng nước hiện có tại các hồ chứa nước lớn, đảm bảo tưới chắc diện tích trong hệ thống; sử dụng nước phát điện của hồ Định Bình và đập dâng Văn Phong theo nhu cầu tưới; chủ động thực hiện phương án sử dụng nước của hệ thống kênh Văn Phong để tưới cho cây trồng và chống hạn cho các vùng cao thuộc địa bàn 2 huyện Phù Cát, Tây Sơn, đồng thời tiếp nước cho sông La Tinh.
Chi cục Thủy lợi tỉnh tổ chức quản lý, vận hành các cống tràn trên đê Đông không để xâm nhập mặn. Các địa phương cân đối nguồn nước, thực hiện tưới tiết kiệm, tận dụng dòng chảy tự nhiên của sông, suối để phục vụ sản xuất, khi thật cần thiết mới sử dụng nước từ các hồ chứa. Kiểm tra, tu bổ, sửa chữa các hạng mục công trình hồ chứa bị hư hỏng, nạo vét kênh mương dẫn nước; củng cố tổ đội thủy nông nội đồng, điều tiết nước tưới hợp lý, hạn chế nguồn nước bị thất thoát.
Ngành Nông nghiệp và các địa phương cũng tiến hành kiểm tra, xác định cụ thể số hộ dân thiếu nước; chủ động mở mạng cấp nước ở các công trình cấp nước đã xây dựng để phục vụ nhân dân. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cấp nước đang xây dựng và vận động người dân tu sửa, khắc phục đưa vào sử dụng các giếng đào, khoan để lấy nước ngầm sử dụng. Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng sẽ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ phòng chống và khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn năm 2017, tổng hợp nhu cầu về kinh phí đề nghị hỗ trợ phòng chống hạn của các địa phương, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.
● Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)