Chuyện về chi bộ Trường Collège de Quinhon
Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Định, Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Quốc học Quy Nhơn tổ chức khánh thành Phòng truyền thống chi bộ Trường Quốc học Quy Nhơn, tri ân những chiến sĩ cách mạng tiền bối đã có công vun đắp và xây dựng chi bộ nhà trường.
Những năm 1928-1929, phong trào cách mạng trong tỉnh có những chuyển biến tích cực, cổ vũ và lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng từ nhà máy, phân xưởng, trường học đến nhiều vùng nông thôn.
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 3.2.1930), các chi bộ cộng sản ở một số địa phương trong tỉnh lần lượt được thành lập, để lãnh đạo phong trào cách mạng.
Trong tập “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định” xuất bản năm 1990 có đoạn “Tính đến tháng 11.1930, Quy Nhơn có 2 chi bộ (Nhà máy đèn và trường Quốc học) với 15 đảng viên, thành phần hầu hết là công nhân, trí thức và học sinh. Về các tổ chức quần chúng, chỉ tính số hội viên trong Công hội đỏ và Sinh hội đỏ đã có ngót 40 người”, và: “Riêng tại trường Quốc học tháng 10.1930 có một chi bộ Cộng sản và 2 tổ Sinh hội đỏ, các nhóm đọc sách báo trong học sinh. Chi bộ Đảng trường Quốc học Quy Nhơn đến giữa năm 1931 có 7 đảng viên”.
Như vậy, sau chi bộ Nhà máy đèn Quy Nhơn (3.1930) và chi bộ Cửu Lợi, Hoài Nhơn (8.1930) thì chi bộ Trường Quốc học Quy Nhơn (Trường Collège de Quinhon) là chi bộ thứ 3 của tỉnh Bình Định được thành lập trong năm 1930 (tháng 10).
Về sự ra đời của chi bộ Trường Quốc Học Quy Nhơn, theo lời kể của đồng chí Nguyễn Văn Chi và đồng chí Hoàng Đức Nậy, đảng viên chi bộ Trường Quốc học Quy Nhơn thời ấy, một ngày cuối tháng 10.1930, nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, được sự giúp đỡ tích cực của chi bộ Nhà máy đèn Quy Nhơn, chi bộ Trường Quốc học Quy Nhơn được thành lập tại một góc trên gác ba Hội quán Quảng Đông với 5 đảng viên, do đồng chí Lê Văn Bảo làm bí thư. Nghị quyết của chi bộ là tập trung học tập tốt và khéo léo vận động tinh thần yêu nước trong học sinh.
Trong khoảng cuối năm 1930 sang năm 1931, phong trào quần chúng ở Bình Định dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh phát triển khá sôi nổi. Để chặn đứng phong trào, thực dân Pháp và tay sai đã thực hiện khủng bố trắng. Phong trào cách mạng của tỉnh bị tổn thất nặng nề, hàng trăm cán bộ, đảng viên bị bắt bớ, tù đày, sát hại.
Giữa kỳ hè 1931, hầu hết các đảng viên của chi bộ Trường Quốc học Quy Nhơn bị bắt nhốt vào nhà lao Quy Nhơn tra tấn, truy hỏi nhưng ai cũng giữ vững khí tiết, bảo vệ tổ chức. Đến cuối năm 1931, chúng kết án và đày mỗi người đi mỗi nơi. Riêng đồng chí Lê Văn Bảo kiên trung, bất khuất đã bị chúng tra tấn dã man nhất và đã hy sinh trong tù.
Sự ra đời của chi bộ Trường Quốc học Quy Nhơn là kết quả tất yếu của quá trình kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân, phong trào yêu nước của nhân dân Bình Định.
Đó còn là các mốc đánh dấu thắng lợi của một chặng đường đấu tranh gian khổ, đầy những trăn trở của nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng trên hành trình “đi tìm con đường sống” cho quê hương, cho đất nước.
NGUYÊN SƯƠNG