Cần minh bạch nguồn thu các công trình BOT giao thông
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 công trình giao thông thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (gọi tắt là BOT), gồm: Dự án (DA) nâng cấp, mở rộng quốc lộ (QL) 1 phía Bắc Bình Định (đoạn từ km 1125 - km 113); DA nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 phía Nam Bình Định - Phú Yên (đoạn từ km 1212+400 - km 1265) và DA cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 (đoạn từ km 17+027 - km50). Tuy nhiên, theo đánh giá chung của UBND tỉnh, việc thực hiện các DA này, bên cạnh những thuận lợi, đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.
Đơn vị thi công tổ chức vá, thảm lại mặt đường quốc lộ 1 qua địa phận xã Hoài Đức (Hoài Nhơn) sau khi bị bong tróc, lồi lõm.
Thứ nhất, việc xác định tổng mức đầu tư và tổng dự toán của DA chưa chính xác do sử dụng dữ liệu đầu vào chưa chuẩn, dẫn đến tính toán thời gian thu phí hoàn vốn một số dự án BOT cao hơn nhiều so với thời gian tính toán lại sau khi thanh tra, kiểm toán và quyết toán dự án. Sau khi một số trạm thu phí đưa vào hoạt động, người dân có phản ứng về khoảng cách giữa các trạm thu phí hoặc vị trí đặt không hợp lý; tiền thu phí cao làm tăng giá thành vận tải gây khó khăn cho các chủ phương tiện. Dư luận cũng cho rằng việc quản lý nguồn thu của các trạm thu phí chưa chặt chẽ, chưa công khai, minh bạch khiến dư luận không đồng tình.
Đây là một vấn đề dư luận rất đáng quan tâm, bởi nó liên quan trực tiếp đến người dân vì chính họ là người phải trả phí để đi đường. Tôi có một người bạn, kể từ ngày trạm thu phí Nam Bình Định hoạt động, thì dù có xe nhà, chị cũng không dám chạy lên Sân bay Phù Cát đưa đón người nhà như mọi khi, chỉ vì hai lượt đi- về đã mất 70.000 đồng, còn đắt hơn nhiều so với người nhà tự đi về bằng xe bus của Sân bay Phù Cát.
Tại buổi làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát các dự án BOT giao thông trên địa bàn tỉnh mới đây, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính sớm triển khai các giải pháp có hiệu quả để quản lý doanh thu thu phí chặt chẽ, minh bạch của các trạm thu phí. Có chính sách miễn giảm đối với người dân có nhu cầu qua lại gần trạm thu phí, yêu cầu nhà đầu tư phải bán vé quý, tháng nhằm đảm bảo tính công bằng cho người sử dụng. Ngoài ra, cần hiện đại hóa công tác thu phí bằng thiết bị tự động nhằm tạo thuận lợi cho các phương tiện lưu thông, giảm thiểu ách tắc giao thông.
Tại Hội thảo “Những vấn đề đặt ra đối với DA BOT và vai trò của kiểm toán nhà nước” vào tháng 9.2016, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, đến nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định việc giám sát các hoạt động tại trạm thu phí; vì vậy, các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý cũng chưa đủ cơ sở để thực hiện các biện pháp giám sát hoạt động thu phí của các DA BOT. Trong thời điểm này, có lẽ biện pháp hữu hiệu hơn cả là triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng đối với các trạm thu phí, bao gồm cả việc bố trí hệ thống camera và chuyển toàn bộ dữ liệu trực tuyến qua internet về trung tâm theo dõi để người dân có thể tạm an tâm về việc công khai minh bạch nguồn thu?
NGUYỄN NAM
Các dự án BOT này vay vốn tại 1 Ngân hàng, đến khi vận hành trạm thu phí thì nguồn thu này được nộp về Ngân hàng cho vay để thu hồi nợ. Tuy nhiên các Cty này chỉ nộp về Ngân hàng cho vay một lượng tiền đủ để thu nợ theo kỳ hạn ban đầu. Trên thực tế lượng tiền thu từ phí lớn hơn rất nhiều so với dự tính ban đầu. Để xử lý lượng tiền thu vượt này Cty đầu tư này mở 1 tài khoản tại 1 Ngân hàng khác không có quan hệ tín dụng để nộp tiền vào đó và sử dụng dần số tiền đó. Vì vậy để xác định chính xác số tiền thu phí này không cần phải thanh tra thực tế tại trạm thu phí mà yêu cầu cung cấp số dư tài khoản của Cty này tại tất cả các Ngân hàng và lịch sử giao dịch. Yêu cầu Cty này chứng minh dòng tiền đó từ đâu ra là biết ngay.