Văn nghệ xung kích sau giải phóng ở Quy Nhơn: Âm vang còn mãi
Sau ngày Bình Ðịnh được giải phóng, trong niềm hân hoan hòa bình, tái thiết quê hương, văn nghệ xung kích được chú trọng, phát huy hiệu quả. Khắp nơi trong tỉnh, đặc biệt là ở Quy Nhơn, các đội văn nghệ xã, phường rầm rộ ra đời, tích cực biểu diễn, cổ vũ công cuộc xây dựng cuộc sống mới.
Tiết mục của nhóm ca khúc chính trị Tuổi trẻ Bình Định đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan ca khúc chính trị toàn quốc lần thứ III, ngày 15.5.1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhật Bác. Ảnh tư liệu của LA ÁNH
Quy Nhơn ngày ấy, gần như xã, phường nào cũng thành lập đội văn nghệ của địa phương mình. Đời sống văn nghệ quần chúng khi ấy náo nức, nồng nhiệt và đầy khí thế. Hơn 40 năm đã trôi qua, nhưng hôm nay, khi nhắc lại nhiều chứng nhân vẫn thấy tươi mới, âm vang.
3 đội văn nghệ nổi trội nhất thời đó là đội của các phường: Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo và Lê Lợi. Mỗi đội có thế mạnh riêng, đội phường Trần Hưng Đạo mạnh về múa, khá hùng hậu về lực lượng với hơn 50 thành viên, không chỉ hoạt động, biểu diễn ở Quy Nhơn mà còn lưu diễn ở một số địa phương khác trong tỉnh như Vân Canh, An Nhơn, Phù Cát… Đội phường Lê Hồng Phong mạnh về ca, là đội đầu tiên táo bạo tổ chức biểu diễn bán vé. Hội trường Quang Trung - nơi diễn ra “sô” biểu diễn có thu đầu tiên của đội văn nghệ này chật kín khán giả.
Chỉ hơn 1 năm sau ngày giải phóng, trước sự phát triển rộng khắp và mạnh mẽ của văn nghệ quần chúng trên khắp địa bàn tỉnh, Ty Văn hóa - Thông tin tỉnh đã tổ chức Hội diễn văn nghệ quần chúng lần thứ 1 (tháng 5.1976), thu hút hơn 40 địa phương, đơn vị tham gia. Trước đó, để tuyển chọn đội hình, tiết mục tham gia Hội diễn, nhiều hội diễn, hội thi đã diễn ra ở cơ sở. Không khí văn nghệ xung kích dựng xây quê hương khi ấy rộn ràng, sôi nổi khắp nơi từ làng quê đến mỗi khu phố.
Theo nhạc sĩ Thế Tuyên, một trong những thành viên tích cực của đội văn nghệ phường Lê Hồng Phong năm xưa, tuy chỉ là những đội văn nghệ quần chúng cấp cơ sở, nhưng sức hút tạo ra chẳng kém gì các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. “Người dân, khán giả thưởng thức nồng nhiệt, đáp lại, nghệ sĩ quần chúng chúng tôi càng hăng say phục vụ. Khi đó, ngoài những bài hát nổi tiếng có sẵn, các đội văn nghệ còn phổ biến nhanh và rộng nhiều sáng tác mới của nhạc sĩ trong tỉnh, đặc biệt là của anh Châu Đức Khánh - cánh chim đầu đàn của phong trào văn nghệ quần chúng!”, nhạc sĩ Thế Tuyên bồi hồi kể.
Với cố nhạc sĩ Châu Đức Khánh, giai đoạn sáng tác thăng hoa và thành công nhất của ông gắn liền với dấu son sự kiện - quê hương được giải phóng hoàn toàn, đất nước thống nhất trọn vẹn. Những năm tháng này, ông viết nhiều, liên tục, đều đặn và ca khúc của ông luôn đi vào lòng người, điển hình là: “Chào Quy Nhơn hòa bình”, “Nắng Nghĩa Bình”, “Bàn tay người thợ xây”, “Người công nhân trên thành phố buổi sáng”. Trong đó, “Chào Quy Nhơn hòa bình” được viết ngay trong tháng 4.1975, là tác phẩm xuất sắc, được chọn xây dựng thành tiết mục hợp xướng biểu diễn mở màn Hội diễn văn nghệ quần chúng lần thứ 1 và sau đó được chọn là nhạc hiệu của Đài Truyền thanh TP Quy Nhơn đến giờ: Từ thành phố này tôi nhìn thấy, thấy khắp quê hương thiết tha nở thắm ngàn hoa/Từ thành phố này tôi nhìn thấy, Tổ quốc mến yêu bao la ngập bóng cờ sao phất cao…/Chào mừng ngày chiến thắng lớn, chào hòa bình phố Quy Nhơn/Chào bao áng mây hồng giăng núi sông/ Chào cuộc đời mới đã tới/Chào nụ cười thắm trên môi/Đẹp như hoa lá của mùa xuân.
Là khán giả nhiệt thành của những buổi văn nghệ cấp phường ở Quy Nhơn, cũng từ sinh hoạt văn nghệ mà có duyên gặp gỡ, nên vợ chồng với nhạc sĩ tài hoa bậc nhất thời bấy giờ, với bà Phương Hằng Nga - vợ cố nhạc sĩ Châu Đức Khánh- ký ức về văn nghệ quần chúng ngày ấy càng sâu đậm. “Bản thân mình khi tham gia văn nghệ ở khóm phố, cơ quan cũng nghe, cũng hát nhạc của Châu Đức Khánh” hoài nhưng đâu biết mặt. Tới khi tôi được anh ấy tập cho một tiết mục đơn ca để tham gia văn nghệ thì quen, rồi thương ảnh luôn. Khí thế văn nghệ hồi đó tưng bừng lắm, sáng tác hay ra đời có môi trường để phổ biến liền. Có lẽ đó cũng là khoảng đời hoạt động âm nhạc hạnh phúc nhất của chồng tôi”, bà Nga chia sẻ.
“Hoàn cảnh kinh tế đất nước mình sau ngày giải phóng khó khăn vô cùng. Câu “tiếng hát át tiếng bom” không còn phù hợp, anh em văn nghệ tỉnh Nghĩa Bình tạm đặt câu mới “tiếng ca ra sức mạnh” để động viên nhau. Nếu không có nguồn lạc quan, khích lệ từ ca hát, văn nghệ nói chung mang lại, việc vượt qua khó khăn vật chất sẽ nhọc nhằn hơn. Riêng tôi, quãng đời hoạt động âm nhạc đẹp nhất là những năm tháng gian khó đó, nó trong trẻo và nhiệt thành vô cùng.
Nhớ nhất là những buổi biểu diễn đông nghịt người xem ở trước Hội trường Quang Trung. Cứ sau mỗi buổi biểu diễn, khi ra đường, nghe bà con kháo nhau: hôm qua có đi xem hát không, dàn đồng ca đông muốn… sập sân khấu mà hòa thanh rất đều…
Hay như trong giai đoạn 1978 - 1980, Quy Nhơn có một mô hình sinh hoạt ca hát gây ấn tượng với thanh niên cả nước, báo chí một số tỉnh đã tìm đến viết bài, đó là phong trào “Tuổi trẻ hát”. Thị đoàn khuyến khích thanh niên, cứ sáng Chủ nhật bỏ ra 2 hào, mua 1 bản nhạc in ronéo, đổi lại bộ phận phụ trách văn nghệ chúng tôi sẽ dạy cho người mua biết hát bài hát đó. Phong trào đó nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ nhạc sĩ Bùi Tuyên Ðông, anh đã cất công sưu tầm nhiều bài hát cách mạng mới và hay. Anh cùng với nhiều anh em khác, nỗ lực nắn nót kẻ nhạc, in ấn; nhờ sáng kiến này mà hàng loạt ca khúc cách mạng nhanh chóng phổ biến đến thanh niên, quần chúng trong tỉnh”.
Nhạc sĩ, ca sĩ LÝ ANH VÕ - một hạt nhân nổi tiếng của phong trào văn nghệ quần chúng những năm đầu sau ngày giải phóng ở tỉnh ta, kể.
SAO LY