GDP tăng thấp nhất 3 năm: Động lực nào cho tăng trưởng?
Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết có 3 nguyên nhân chính khiến GDP quý I/2017 chỉ tăng 5,1%, trong đó việc giảm khai thác tài nguyên thô là xu thế tất yếu và sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp sẽ là động lực tăng trưởng thời gian tới.
Ông Hà Quang Tuyến - Ảnh: TBKTSG
Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia chia sẻ điều này với Báo điện tử Chính phủ về những nguyên nhân khiến GDP quý I chỉ tăng 5,1% - thấp hơn so với cùng kỳ 2015, 2016.
Tái cơ cấu và nhân tố dầu thô
Theo cơ quan thống kê, có 3 nguyên nhân chính gồm: Khô hạn, xâm nhập mặn ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp; công nghiệp chế biến chế tạo tăng thấp do yếu tố mùa vụ; việc giảm khai thác tài nguyên thô theo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế.
Cụ thể, khô hạn, xâm nhập mặn năm 2016 còn ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt của quý I/2017 ở Đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích gieo sạ lúa vụ mùa và vụ đông xuân trong quý I/2017 của Vùng này giảm 73 nghìn ha, giảm 4,1% so cùng kỳ 2016. Năng suất lúa vùng này tăng 1%, nhưng do diện tích gieo sạ giảm làm sản lượng lúa thu hoạch giảm gần 333 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2016 (giảm 3,1%).
Thứ hai, quý I/2017 công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 8,3%, thấp hơn mức tăng 8,94% cùng kỳ 2016. Chủ yếu do sản xuất và chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất (15%) chỉ tăng 4,4% (quý I/2016 tăng 8,6%). Nguyên nhân chủ yếu là do tính mùa vụ, Tết âm lịch 2016 rơi vào tháng 2, nên sản xuất, chế biến thực phẩm tập trung vào tháng 1. Còn Tết âm lịch 2017 vào tháng 1 nên doanh nghiệp sẽ sản xuất vào tháng 12 năm trước. Cùng với đó, ngành sản xuất sản phẩm điện tử lại giảm 1% (cùng kỳ tăng 11,3%).
Thứ ba, nguyên nhân lớn nhất, Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên sang các ngành sản xuất kinh doanh không phải khai thác tài nguyên. Kế hoạch năm nay khai thác dầu khô rất thấp, chỉ có 12,28 triệu tấn, trong khi đó thực hiện năm 2016 đạt tới 15,2 triệu tấn, những năm trước nữa lên tới 17, 18 triệu tấn. Kết quả, tăng trưởng ngành khai khoáng quý I âm 10% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khí đốt thiên nhiên giảm 8,9%, dầu thô khai thác giảm 14,9%, than đá giảm 5,6%. Nếu sản lượng khai thác dầu thô đạt bằng cùng kỳ năm trước thì GDP quý I năm nay có thể đạt tới 5,9%.
Hơn thế nữa, đóng góp của 1 triệu tấn dầu vào tăng trưởng GDP cũng giảm đi. Đóng góp của 1 triệu tấn dầu vào tăng trưởng GDP năm 2016 so với 2015 là 0,3 điểm %, nhưng sang 2017 chỉ còn 0,25 điểm %, do quy mô GDP theo giá so sánh tăng lên.
GDP quý I chỉ tăng 5,1% liệu có quá thấp, thưa ông?
Để đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là GDP cả năm tăng trưởng 6,7% thì 9 tháng còn lại GDP phải tăng 7%, đây là việc không dễ. Song chúng tôi cho rằng, Việt Nam cần tăng trưởng GDP, nhưng mức tăng phải hợp lý và bền vững, đó là lựa chọn, chứ không thể cứ cố tăng cao bằng mọi giá.
Theo chúng tôi, mức tăng 5,1% trong quý I là mức tăng hợp lý trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn. Và với mức tăng đó vẫn bảo đảm các cân đối vĩ mô ổn định.
Trong điều kiện gặp nhiều khó khăn của cả kinh tế thế giới và trong nước, giá cả tăng cao hơn so cùng kỳ 2016, khu vực dịch vụ có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế của quý I/2017. Khu vực này tăng 6,52% so cùng kỳ 2016, cao nhất từ năm 2012 – 2016, đóng góp 2,65 điểm % tăng trưởng (chiếm tỷ trọng đóng góp 51,9%).
Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,03%, đóng góp 0,24 điểm % vào tăng trưởng chung (cùng kỳ 2016 đóng góp âm 0,16 điểm %). Còn khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,17%, đóng góp 1,47 điểm %.
Trên giác độ sử dụng, tiêu dùng cuối cùng (nhà nước và dân cư) đóng góp 7,26 điểm % tăng trưởng; tích lũy tài sản đóng góp 2,27 điểm %; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 14,69 điểm %. Như vậy, xuất khẩu và tiêu dùng cuối cùng của hộ vẫn là động lực chính đóng góp vào tăng trưởng GDP của quý I/2017.
Động lực tăng trưởng trong thời gian tới
Trong năm 2016 và đầu năm 2017, số doanh nghiệp thành lập mới liên tục đạt kỷ lục, thu hút đầu tư cũng khả quan. Tại sao GDP vẫn tăng thấp hơn các năm trước?
Số liệu thu hút đầu tư là số liệu ở giai đoạn ký kết và triển khai đầu tiên, trong khi đầu tư cũng phải có độ trễ mới phát huy tác động tới tăng trưởng.
Về mặt doanh nghiệp, nếu số lượng doanh nghiệp thành lập mới không tăng cao như vậy thì tăng trưởng của quý I/2017 còn thấp hơn. Hơn nữa, số lượng doanh nghiệp thành lập mới vẫn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Mặt khác, doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu thuộc khu vực dịch vụ, nên ta thấy rất rõ khu vực này tăng trưởng cao nhất và có đóng góp cao vào GDP. Còn số lượng doanh nghiệp trong công nghiệp chế biến chế tạo thì ít hơn.
Các phân tích gần đây cho thấy lạm phát có chiều hướng tăng cao trở lại. Điều này ảnh hưởng thế nào đến cung – cầu của nền kinh tế và năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam?
Lạm phát có 2 mặt. Lạm phát tăng trong ngưỡng cho phép (đối với Việt Nam khoảng 5 – 7%) sẽ kích thích nhà sản xuất sản xuất nhiều hơn, GDP tăng; tuy nhiên lạm phát tăng sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của hộ dân cư, họ sẽ phải chi tiêu nhiều hơn cho cùng một lượng hàng hóa nhất định.
Quý I/2017, các cân đối vĩ mô của nền kinh tế vẫn ổn định, trong đó có cân đối cung – cầu. Nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng đến lạm phát là đầu tư không hiệu quả, điều chỉnh chính sách giá, tỷ giá, yếu tố thị trường, tâm lý tiêu dùng,…
Có đột phá nào trong diễn biến nền kinh tế có thể phản ánh những điều chỉnh chính sách trong thời gian qua? Và đâu sẽ là động lực tăng trưởng bền vững của Việt Nam thời gian tới?
Diễn biến của nền kinh tế những năm qua đã phản ánh tác động ảnh hưởng của những điều chỉnh chính sách, có thể kể đến một số ảnh hưởng sau:
Thứ nhất, cùng với chính sách phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đã thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh, năm 2016 là năm đầu tiên đạt lượng khách 10 triệu lượt, quý I/2017 tăng 29%. Phát triển du lịch lan tỏa nhiều đến tăng trưởng của các ngành thương mại bán lẻ, khách sạn – nhà hàng, vận tải, tín dụng thẻ, hoạt động vui chơi giải trí,…
Thứ hai, như trên đã nói, Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên sang các ngành sản xuất kinh doanh không phải khai thác tài nguyên. Năm 2016 và Quý I năm 2017, sản lượng dầu thô, khí tự nhiên và than khai thác đạt thấp làm tăng trưởng ngành khai khoáng tăng trưởng âm. Song đây là xu thế tất yếu để phát triển kinh tế bền vững trong giai đoạn tới.
Thứ ba, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế được quan tâm và đẩy mạnh, Chính phủ thực hiện quyết liệt và đồng bộ các Nghị quyết số 19, Nghị quyết số 35 năm 2016 đã tạo động lực và khuyến khích khu vực doanh nghiệp phát triển. Năm 2016 số doanh nghiệp thành lập mới đạt 110 nghìn doanh nghiệp, là năm có số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất từ trước đến nay. Đây là động lực để phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Thứ tư, việc điều chỉnh thuế nhập khẩu một số mặt hàng từ khối ASEAN dẫn đến tăng nhập khẩu nhiều hàng tiêu dùng, nhất là ô tô từ các nước trong khu vực. Điều này sẽ tác động đến sản xuất trong nước, đến thu ngân sách…
Xin cám ơn ông!
Theo Chinhphu.vn