Rượu dỏm, rượu độc - S.O.S!
Trong đời sống, việc sản xuất và tiêu dùng rượu là một phần của văn hóa ẩm thực của các vùng, miền. Ở nước ta, mỗi năm người dân cũng sản xuất, tiêu thụ hàng chục triệu lít rượu. Trong đó, có rất nhiều loại rượu truyền thống đã trở thành “đặc sản”, thậm chí còn là biểu tượng văn hóa của địa phương, chẳng hạn như “Bàu Đá”, “Gò Đen”, “Làng Vân”…
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, thông tin về các vụ ngộ độc rượu tập thể liên tiếp xảy ra tại nhiều địa bàn trong nước đã gây rúng động dư luận, khiến xã hội không khỏi bàng hoàng, âu lo về một hiểm họa “nhãn tiền”. Đó là việc “tự sản, tự tiêu” không ít loại rượu không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, thậm chí có chứa nhiều độc tố hủy hoại sức khỏe người dùng, thậm chí gây chết người. Hàng loạt vụ ngộ độc rượu liên tiếp xảy ra, khiến hàng chục người thiệt mạng, hàng trăm người bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, nhiều người khỏe mạnh trở thành tật nguyền vì di chứng sau ngộ độc rượu… đã và đang là một vấn nạn đáng báo động.
Nguyên nhân các vụ ngộ độc rượu phần lớn là do nạn nhân uống rượu chứa methanol - chất có trong cồn công nghiệp - vượt nhiều lần mức cho phép. Vì lợi nhuận, các cơ sở kinh doanh rượu đã bất chấp tính mạng của người tiêu dùng, dùng methanol để pha chế rượu, thay vì ủ men, nấu rượu như cách làm truyền thống. Các loại rượu này thường không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng vẫn được coi là rượu nấu, được bày bán tràn lan trên thị trường. Đối tượng khách hàng chủ yếu, cũng là những người thường uống các loại rượu này, không ai khác hơn là những người có thu nhập thấp.
Thói quen lạm dụng rượu và sử dụng rượu không bảo đảm chất lượng là hai yếu tố cơ bản để tạo nên bức tranh “văn hóa rượu” của chúng ta có nhiều mảng màu tối, thậm chí đen kịt như các vụ ngộ độc rượu gây chết người đã xảy ra. Bên cạnh đó, phong tục uống rượu “trăm phần trăm”, vô cuộc nhậu là phải uống “hết mình” để thể hiện sự nhiệt tình, uống rượu phải say “quắc cần câu” mới vui… đã làm cho nhiều cuộc vui trở thành “bãi chiến trường” vì cãi nhau, đánh lộn. Hậu quả của những tiệc rượu quá đà này có lúc dẫn đến kẻ thương tích, người mất mạng với nhiều hệ lụy hết sức đau lòng. Với các tiệc nhậu dùng rượu dỏm, rượu độc thì hậu quả còn kinh hoàng hơn nhiều. Đó là chưa kể, nhiều vụ ẩu đả gây hậu quả đau lòng, tai nạn giao thông nghiêm trọng… cũng chỉ vì bị “ma men” kích thích.
Trước tình trạng các vụ ngộ độc rượu liên tiếp xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện 371/CĐ-TTg yêu cầu các địa phương khắc phục hậu quả và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm rượu; xử lý nghiêm các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Công thương khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm rượu trên toàn quốc; hoàn thiện các văn bản quy định về quản lý đối với sản phẩm rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng đã có chỉ thị cho các ngành, địa phương trong tỉnh có ngay các biện pháp để quản lý chặt chẽ việc sản xuất, tiêu thụ rượu trên địa bàn tỉnh ta nhằm ngăn ngừa nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc do rượu dỏm, rượu độc gây ra. Tuy nhiên, nỗ lực của chính quyền là chưa đủ, điều quan trọng nhất vẫn là mỗi người cần có ý thức tự bảo vệ sức khỏe của mình, tự hình thành thói quen sử dụng rượu hợp lý, đừng để “văn hóa rượu” trở thành… “vấn nạn rượu”.
H.Ð