Nhà ở phòng tránh lụt bão: Từ mô hình đến thực tiễn
Thực hiện Chương trình xây dựng nhà ở phòng tránh lụt bão (PTLB) của Chính phủ, năm 2015, Tổ chức Hội thảo Phát triển Pháp (DWF) đã phối hợp với Sở Xây dựng 13 tỉnh miền Trung, trong đó có Bình Ðịnh, thiết kế các mẫu nhà an toàn PTLB nhằm phổ biến cho hộ dân, đặc biệt là hộ nghèo và cận nghèo, tham khảo để chủ động nâng cao khả năng phòng chống, ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại về nhà ở do bão lũ gây ra.
Tại Bình Định, mô hình này được triển khai áp dụng như một phần trong Đề án “Hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở PTLB trên địa bàn tỉnh”. Cho đến nay, vì nhiều lý do, kết quả của đề án còn khiêm tốn.
Mô hình nhà PTLB: Dân chưa “hít”
Tháng 8.2015, Sở Xây dựng đã phổ biến 6 mẫu nhà an toàn PTLB với điểm chung là nhà kiên cố, có sàn tránh lũ (STL) vượt cao độ ngập lụt, có 3 phương án xây dựng: Xây thêm gian nhà liền kề với nhà đã có, gồm 2 tầng, trong đó tầng 2 là STL; xây căn nhà có gác lửng và gác lửng này là STL; cải tạo gác lửng của căn nhà đang ở làm STL.
Nhà ông Nguyễn Cứu, ở KV 3, phường Nhơn Bình, có gác lửng tránh lũ tự thiết kế, diện tích 40m2, chi phí khoảng 70 triệu đồng, được nhiều người tìm đến học hỏi làm theo vì đơn giản mà đẹp.
STL có diện tích tối thiểu 10m2, làm bằng khung bê tông cốt thép hoặc khung thép tiền chế và phải cao hơn mức ngập lụt cao nhất từ trước đến nay tại địa phương, để đảm bảo an toàn và sinh hoạt bình thường trong thời gian ngập lụt. Thực tế chứng minh, các căn nhà được xây dựng theo mẫu chống chịu được 5 đợt lụt xảy ra vào cuối năm 2016.
Tuy mô hình nhà vượt lũ được đánh giá có hiệu quả tốt, nhưng mức độ áp dụng trên thực tế còn hạn chế. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, số hộ đăng ký xây dựng nhà ở PTLB toàn tỉnh là 420 hộ, thấp hơn nhiều so với kế hoạch được duyệt (1.169 hộ). Số hộ hoàn thành và số hộ đang triển khai xây dựng, cải tạo nhà chỉ đạt 30,6% so với Đề án được duyệt.
Nguyên nhân chính của việc người dân không mặn mà xây nhà PTLB là do số vốn hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà quá thấp (từ 12-16 triệu đồng/hộ). Mức vốn vay tối đa từ Ngân hàng Chính sách xã hội cũng thấp (15 triệu đồng/hộ). Tổng số tiền từ 2 nguồn vốn này không đủ để xây một ngôi nhà hoàn chỉnh có diện tích tối thiểu 30m2. (Theo tính toán của ông Võ Ngọc Duy Nhân, chuyên viên Phòng Quản lý nhà thuộc Sở Xây dựng, chi phí xây một căn nhà hoàn chỉnh như trên ít nhất là 90 triệu đồng).
Theo ông Võ Ngọc Cang, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuy Phước, có đến 150/196 hộ trên địa bàn huyện rút ra khỏi chương trình vì lý do tiền hỗ trợ thấp. Bà Nguyễn Thị Ai, một trong những hộ rút khỏi danh sách đăng ký, cho biết: “Chồng tôi bị tật nguyền, tôi thì làm ruộng, chăn nuôi, thu nhập thấp. Mấy đợt lụt cuối năm 2016 nước ngập tới cả mét. Tôi muốn sửa lại nhà nhưng chi phí cả trăm triệu. Tiền hỗ trợ ít quá mà gia đình không có nguồn nào khác để bù thêm vô. Vậy nên tôi xin rút”.
Còn có một số nguyên nhân khác là người dân không dám vay vì sợ không có khả năng trả nợ và có tâm lý trông chờ nguồn hỗ trợ cao hơn từ các chính sách khác của Nhà nước về giảm nghèo; cũng có trường hợp không xây dựng được vì vướng giấy tờ sổ đỏ.
Xây nhà tránh lũ là giải pháp an toàn
Trên thực tế, mô hình nhà có gác lửng để vượt lũ là không mới. Theo ông Võ Ngọc Cang, với kinh nghiệm nhiều đời sống chung với lũ, mẫu nhà này đã được người dân Tuy Phước sử dụng từ lâu. Gác lửng thường được dùng làm nơi thờ cúng và tránh lũ khi thiên tai xảy ra. Ban đầu, sàn lửng làm bằng ván gỗ, tre…, sau này được thay bằng bê tông. Chiều cao sàn lửng cũng nâng dần từ ban đầu là 2,2m cho đến hiện nay là trên 3m. Hầu hết hộ dân có điều kiện kinh tế khá giả tại các xã Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Thắng còn tôn nền cao và xây móng cọc. Vì vậy, trong các đợt lũ năm 2016, những hộ này vẫn ở được dù nước ngập sâu từ 1m-2m.
Tại phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn), sau cơn lũ lịch sử năm 2009, người dân cũng ý thức sửa chữa nhà cửa, xây gác lửng phòng tránh lũ. Hiện nay, khoảng 60-70% số hộ trên địa bàn phường có gác lửng tránh lũ - bà Nguyễn Thị Mộng Loan, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy phường Nhơn Phú, cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Cẩm, ở KV 3, phường Nhơn Phú, chia sẻ: “Nhà tôi có gác lửng cao trên 3m nên có chỗ tránh lũ. Tính riêng chi phí phần gác này hết khoảng 30 triệu đồng”. Sau khi trải qua cảnh bị chia cắt hơn 1 tuần trong trận lũ năm 2009, ông Nguyễn Văn Thạch, ở KV 3, phường Nhơn Phú quyết định xây gác ván tạm thời cũng cao trên 3m, chi phí khoảng 2 triệu đồng.
Ông Trần Thanh Quang, Trưởng khu phố 3, phường Nhơn Phú - Quy Nhơn, cho biết, nhiều hộ dân khó khăn tại địa phương không đủ tiền làm gác ván đã chọn cách mua (tốn từ 1,5 - 2 triệu đồng) hoặc mượn giàn giáo từ các chủ thầu xây dựng để kê cao tạm thời tránh lũ trong thời gian lụt lội. “Đây cũng là cách mà nhiều hộ dân tại phường Nhơn Phú áp dụng, bởi đặc thù của địa phương là có nhiều người làm thợ hồ” - ông Trần Ngọc Hiền, Chủ tịch UBND phường Nhơn Bình, chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Võ Ngọc Duy Nhân, giải pháp xây gác ván hay sử dụng giàn giáo để tránh lũ chỉ giúp giải quyết tình huống khẩn cấp tạm thời, không thể đảm bảo điều kiện sinh sống nếu bị lũ lụt cô lập dài ngày. Người dân nên tranh thủ các nguồn lực để cố gắng xây hoặc cải tạo nhà có gác lửng đúng kỹ thuật. Các mẫu nhà đã được tính toán tiết giảm chi phí xuống mức thấp nhất có thể và hiện nay khó có giải pháp nào vừa ít tốn kém hơn vừa đảm bảo an toàn.
Sở Xây dựng cũng đã có công văn gửi lên Bộ Xây dựng đề nghị tiếp tục hỗ trợ các hộ đã đăng ký còn lại đến hết năm 2017; nâng mức hỗ trợ lên mức 20 triệu, 25 triệu và 30 triệu đồng/hộ để xây nhà có gác lửng kiên cố; đồng thời tăng mức cho vay hỗ trợ tối đa lên 20 triệu đồng/hộ.
TỐ UYÊN