Cảnh giác với cúm gia cầm
Ngày 27.3, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tiếp tục tập trung cho công tác phòng chống vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm có khả năng lây sang người.
Công điện yêu cầu nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu; tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người từ vùng có dịch cúm A/H7N9 nhập cảnh vào Việt Nam và xây dựng phương án xử lý triệt để ca bệnh khi phát hiện có bệnh nhân nhiễm vi rút cúm A/H7N9 tại Việt Nam; thực hiện việc giám sát chặt chẽ khu vực buôn bán, giết mổ gia cầm tại các chợ có bán gia cầm sống và tổ chức thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi chợ; xây dựng phương án đóng cửa chợ gia cầm và có các biện pháp xử lý khi phát hiện có vi rút cúm A/H7N9; tổ chức diễn tập tình huống ứng phó dịch cúm A/H7N9…
Đây là sự chỉ đạo hết sức quan trọng trong bối cảnh tình hình nhiễm cúm A/H7N9 do tiếp xúc với gia cầm sống của nước láng giềng Trung Quốc đã và đang có diễn biến phức tạp. Cụ thể, khoảng một năm trở lại đây Trung Quốc đã có hơn 1.340 người nhiễm vi rút cúm A/H7N9, trong đó có hơn 500 ca tử vong. Trong 3 tháng đầu năm nay, các tỉnh của Trung Quốc chung biên giới với nước ta có 17 người bị nhiễm cúm A/H7N9 do tiếp xúc với gia cầm sống và đã có 2 người mắc bệnh. Từ đầu năm đến nay, đã phát hiện ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm ở 11 địa phương, là: Cao Bằng, Bắc Ninh, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Tây Ninh, Cần Thơ, Bạc Liêu, An Giang, Sóc Trăng.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H5N1 ở trong nước và vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút khác từ nước ngoài mà trực tiếp là Trung Quốc xâm nhiễm vào nước ta qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu là rất cao. Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại, du lịch của hai nước, đặc biệt là hoạt động giao thương của cư dân biên giới cũng có thể đưa vi rút cúm A/H7N9 xâm nhiễm trong nước.
Mặc dù cho đến thời điểm này ở trong nước chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên gia cầm, cũng như trên người, nhưng nguy cơ dịch cúm gia cầm phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Tỉnh ta tuy không có biên giới với nước láng giềng, nhưng với hệ thống giao thông Bắc - Nam chạy qua địa bàn tỉnh, nên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh do hoạt động vận chuyển gia cầm hoặc khách du lịch đến từ các vùng có dịch. Do đó, việc chủ động công tác phòng chống, tăng cường kiểm soát, không để dịch cúm gia cầm A/H7N9 và A/H5N1 xâm nhập và bùng phát trong địa bàn tỉnh là rất quan trọng.
HẢI ÐĂNG