Phù Cát: Buông lỏng quản lý khai thác khoáng sản
Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép hoặc lợi dụng chủ trương cải tạo đất để “rút ruột” tài nguyên đang diễn ra phổ biến tại nhiều nơi trên địa bàn huyện Phù Cát, nhưng chính quyền địa phương chưa xử lý dứt điểm.
Khai thác cát trái phép tại thôn An Điềm, xã Cát Lâm (Phù Cát).
“Rút ruột” tài nguyên
Gần đây, bà con ở thôn Liên Trì, xã Cát Nhơn, phản ánh ông Tạ Công Dũng (ở thôn Đại Ân, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát) tự ý thuê người, đưa máy đào, xe ben vào khu vực Suối Cạn ở địa phương để khai thác đất trái phép. Vào thời điểm UBND xã Cát Nhơn kiểm tra, ông Dũng đã khai thác hơn 4.900m‑ đất. Theo ông Nguyễn Mai Tây, cán bộ địa chính xã Cát Nhơn, đất ông Dũng khai thác một phần nằm trên thửa đất đã được xã giao quyền cho ông Nguyễn Bá Nhơn (trú xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) để trồng rừng WB3, một phần là đất đồi núi do UBND xã Cát Nhơn quản lý. Đến nay, UBND xã đã báo cáo việc này cho UBND huyện Phù Cát đưa ra hướng xử lý”. Ngoài ra, tại khu nghĩa địa cải táng Cát Nhơn - Cát Hưng, cũng có đối tượng vào dùng xẻng xúc đất lên xe công nông, chở đi tiêu thụ.
Trong khi đó, tại thôn Phú Nhơn, xã Cát Trinh, Công ty TNHH Hưng Thiên Long (có trụ sở ở thôn Hòa Mỹ, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn) lại lợi dụng việc cải tạo đồng ruộng tại khu Đồng Gai để lấy đất sét đem bán cho các lò gạch ở huyện Tây Sơn. Công ty này không những cho xe đào, múc cả tầng đất mặt, nạo sâu xuống tầng đất sét, mà khi chở đất cũng không che chắn làm rơi vãi xuống đường, gây ô nhiễm. Được biết, trong phương án cải tạo đồng ruộng tại khu vực này được UBND xã Cát Trinh cho phép ghi rõ: “cách thức cải tạo phải giữ lại tầng đất mặt có độ dày 40 cm để phủ lên mặt ruộng sau khi hạ độ cao” (trích văn bản số 01/PA-UBND ngày 30.8.2016). Nhưng theo lời người dân địa phương thì: “Máy đào múc cả tầng đất mặt đưa lên xe ben chở đi. Đất đá, sỏi nhiều đem đổ tại sân vận động xã, còn đất sét thì được chở đi cho các hộ làm gạch ở huyện Tây Sơn”.
Hiện tượng lợi dụng khắc phục sa bồi trên đồng ruộng để lấy cát đem bán cũng đang diễn ra công khai tại cánh đồng thôn An Điềm, xã Cát Lâm. Việc này theo ông Trương Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Lâm là “do xã không chủ động được nguồn kinh phí để khắc phục, nên mới tạo điều kiện cho dân tự thu dọn”; nhưng thực tế lại do một cá nhân ở địa phương nhận làm với mục đích kinh doanh. Trước đó, UBND xã Cát Lâm cũng đã cho một cá nhân khai thác đất tại khu vực có tục danh Bờ Bạn (ở thôn Hiệp Long) mà theo Sở TN-MT việc làm này là vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, Luật Khoáng sản.
Phớt lờ yêu cầu của Sở TN-MT
Về việc cải tạo đất diễn ra tại khu Đồng Gai, ở thôn Phú Nhơn, xã Cát Trinh, ông Trương Bá Vinh, Phó phụ trách phòng Tài nguyên khoáng sản Sở TN-MT, cho biết, ngày 9.11.2016, Sở TN-MT đã về kiểm tra hiện trường. Theo ông Vinh, tuy việc vận chuyển đất thừa trong dự án cải tạo đồng ruộng là phù hợp với chủ trương của UBND huyện Phù Cát, nhưng việc UBND xã Cát Trinh không yêu cầu đơn vị thi công là Công ty TNHH Hưng Thiên Long đăng ký khối lượng đất thừa với cơ quan có thẩm quyền là không đúng quy định của Luật Khoáng sản. Ngoài ra, việc chưa lập kế hoạch bảo vệ môi trường trong phương án cải tạo đồng ruộng để UBND huyện xác nhận cũng sai với quy định Luật Bảo vệ môi trường. Sở TN-MT đã yêu cầu xã Cát Trinh thông báo cho đơn vị thi công khắc phục những tồn tại này, gửi hồ sơ lên cho Sở để trình UBND tỉnh. Việc vận chuyển đất ra khỏi khu vực dự án cải tạo đồng ruộng Đồng Gai chỉ được thực hiện khi hoàn thiện đầy đủ các yêu cầu trên.
Tuy nhiên, trao đổi với PV ngày 31.3, ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN-MT, xác nhận, cho đến nay, Sở vẫn chưa nhận được hồ sơ nào từ Công ty TNHH Hưng Thiên Long để trình xin ý kiến của UBND tỉnh. Còn theo quan sát trực tiếp của PV, liên tục từ ngày 29 - 31.3, quá trình vận chuyển đất tại khu vực này vẫn diễn ra. Mỗi ngày có hàng chục lượt xe ben chở đất đi nơi khác.
Cũng theo ông Vinh, phần đất thừa trong cải tạo đồng ruộng tại khu Đồng Gai đã được Công ty TNHH Hưng Thiên Long sử dụng để nâng nền Khu quy hoạch dân cư trên nền sân vận động (cũ) xã Cát Trinh, nâng cấp một số tuyến đường đất trong khu vực; đồng thời bán cho các hộ để trang trải chi phí cải tạo (do việc cải tạo đồng ruộng là xã hội hóa) là có yếu tố kinh doanh. “Theo quy định của Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, khai thác đất hoặc cải tạo đồng ruộng phải lập hồ sơ đăng ký khối lượng đất thừa; nơi vận chuyển, thời gian thực hiện phải gửi Sở TN-MT để báo cáo UBND tỉnh và được sự đồng ý của tỉnh mới được triển khai. Nếu có mục đích kinh doanh thì phải đóng thuế phí cho Nhà nước theo quy định. Trường hợp này, Sở TN-MT sẽ cử đoàn công tác về kiểm tra ngay; nếu doanh nghiệp vẫn đang hoạt động, Sở sẽ yêu cầu đình chỉ hoạt động”- ông Vinh khẳng định.
Lãnh đạo huyện chỉ... lòng vòng ?
Khi PV yêu cầu được làm việc với Phòng TN-MT huyện Phù Cát để tìm hiểu thêm các vụ việc trên, thì được ông Tạ Công Thượng, Trưởng phòng TN-MT huyện, trả lời: Huyện đã có kế hoạch làm việc với xã Cát Nhơn bàn hướng xử lý vụ ông Tạ Công Dũng lấy đất ở xã Cát Nhơn. Còn các nội dung khác thì “bản thân tôi không phải là người có thẩm quyền phát ngôn” và yêu cầu PV liên hệ làm việc với Chủ tịch UBND huyện Lương Văn Ngân.
Vì bận việc, ông Ngân nói PV liên hệ với ông Bùi Quang Phương- Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách kinh tế, nhưng ông Phương lại đề nghị PV gọi điện cho ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện (phụ trách lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường) sẽ nắm rõ hơn; còn ông Hương lại bảo ông không phải là người có thẩm quyền phát ngôn, yêu cầu gọi lại cho Chủ tịch UBND huyện (!?).
TRỌNG LỢI