Bà Còng
* Truyện ngắn của PHẠM THỊ HIỀN
Bà còng đi chợ trời mưa
Cái tôm cái tép đi đưa bà còng
Đưa bà tới quãng đường cong
Đưa bà vào tận ngõ trong nhà bà
Tiền bà trong túi rơi ra
Cái tôm nhặt được trả bà mua rau.
Bài đồng dao ấy in trong tâm trí tôi. Tôi nhớ cả tranh minh họa trên sách giáo khoa. Cái tranh có cơn mưa, có bà cụ còng lưng, khoác trên người manh áo tơi chắp bằng lá. Nhưng bà còng sống cạnh bên nhà tôi thì tôi thấy mỗi ngày. Lưng bà còng nhưng ngoài điều đó ra, chẳng có gì giống như cái bà cụ trong bài đồng dao. Đến khi tôi bắt đầu trưởng thành tôi biết vì sao bà còng.
Bà về ở với người con cả - sát vách nhà tôi - đâu chừng mười năm trước. Bà vẫn thường sang nhà chơi với ngoại tôi. Lần nào bà đến tôi cũng dễ dàng nhận ra dù chưa cần mở cửa. Là bởi tiếng ho húng hắng của bà, đó là tín hiệu gọi cửa riêng của bà.
Bà còng mới rảo bước đầu ngõ mà tiếng ho vọng vào trong nhà. Ngoại mừng rỡ sai tôi ra mở cửa đón bạn.
Bà móm mém nhai trầu, vừa chậm rãi để ý từng bậc thềm và bước lên. Bà thong thả cất lời.
- Tôi lại có quà cho bà này.
Bà chìa tay đưa cho tôi mớ trầu cau xanh ngắt, mùi lá trầu nồng nồng thoảng xông lên mũi tôi. Lần nào sang, bà cũng mang theo quà.
Ngoại ngồi tựa lưng vào thành giường đợi sẵn. Bà còng lựng khựng đến ngồi bên mép giường.
- Bà khỏe không?
Ngoại gật đầu, cười dìu dịu.
Nhìn ngoại nhợt nhạt, bà mở lời.
- Hay bà ăn với tôi miếng trầu nhé?
Bà với lấy cơi trầu rồi điệu bóc cau, quệt vôi vào lá trầu, cho vào ống ngoáy.
Ngoại và miếng trầu vào miệng nhóp nhép nhai. Lâu nay, nằm dưỡng bệnh, bỏ trầu cau ngoại cũng thấy nhạt mồm.
Ngoại rầu rĩ.
- Tôi chẳng rời khỏi được cái giường này bà ạ. Còn bà dạo này thế nào?
Bà còng không trả lời ngay, mắt xa xăm chừng như nghĩ ngợi. Bà thong thả đưa tay lên vuốt nhẹ, rồi búi lại tóc. Những sợi tóc ánh bạc như tơ giăng khắp mái đầu bà. Rốt cuộc thì bà cũng không thể ngăn được hơi thở dài, dài đến não nề:
- Tôi già rồi! Chẳng làm được gì! Chỉ tội vướng tay vướng chân chúng nó thôi bà ạ!
Ngoại tiếp lời bằng một giọng rề rà. Hình như ngoại đang cố lựa lời an ủi. Rồi ngoại nhìn nhanh xuống đôi bàn chân cứng đơ của mình thì thào:
- Nằm một chỗ mà sống thế này, tôi cũng chẳng thiết đâu, nhưng mà…
Tới đây thì cả hai cùng bỏ lửng. Bà còng khẽ vuốt vuốt lên hai cẳng chân ngoại tôi. Còn ngoại tôi thì khe khẽ vỗ vỗ lên thắt lưng bà. Họ đang an ủi nhau cũng nên! Là mãi sau này tôi mới giải ra được vì sao hai bà cụ lại như thế, chứ lúc đó thì tôi ngơ ngác lắm!
Khi ấy, tôi ngơ ngác nhìn ngoại, rồi xoay sang bà còng. Ôi, các cụ lẩn thẩn hết rồi, tôi thầm nghĩ. Ngoại bần thần, bà còng cũng thế.Cả hai miên man chìm sâu trong nỗi thương cảm và bất lực cho cuộc đời mình.
Bà còng lật lại từng trang ký ức. Thì thầm như thể kể cho mỗi một mình mình nghe. Mắt bà nheo lại, những nếp nhăn cũng xếp xít nhau trên vùng mắt bà. Nửa đời bà từ khi lấy chồng gón gọn trong bốn chữ: Thờ chồng nuôi con.
Chồng bà đi sớm sau cơn bạo bệnh. Một thân bà lo liệu cho cả năm đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Khi ấy bà đảm đương rất nhiều công việc. Tờ mờ sáng, bà vội vàng lên đồi hái lá giang cho kịp giờ chợ. Bán vội bán vàng cho lái xong, bà băm bổ đi phụ hồ, chẳng quản nặng nhọc. Đã vậy, hễ gia chủ mời thợ nghỉ ăn nửa buổi, được món gì bà lại gói để dành cho con. Ở nhà, bà còn nhận đan ghế mây thủ công, tranh thủ kiếm thêm không nề hà nhức mỏi. Bà kiên cường quần nhau với cuộc sống như thế ròng rã gần hai mươi năm với ước vọng duy nhất - để con bà, đứa nào cũng được học hành tới nơi tới chốn. Chỉ học thôi. Còn lại mọi sự một tay bà gánh hết. Đến cái lúc mà bà có thể dừng lại, ngắm nghía công cuộc ghê gớm mình đã làm thì bà phải chống tay. Bà thật sự là bà còng. Lưng bà đã không còn dịp để có thể thẳng ra được nữa.
Nhưng bà không tiếc. Không tiếc là vì đó chính là lựa chọn của bà. Từ mấy năm rồi, con cái của bà đứa nào cũng phương trưởng, yên bề gia thất. Bà mãn nguyện. Nói cho ngay thẳng cũng có lúc bà thấy chua xót chứ! Các con bà, giai cũng như gái tuy không ra mặt nhưng đều tha thiết muốn bà ở đâu đó khuất khuất tý. Cái sự rúm ró, xộc xệch của bà nó không ăn nhập gì với không gian tươm tất, sạch tinh, bóng loáng mà chúng dựng lên. Tất nhiên, không thể không nhắc đến bà còng, cái cơ ngơi đang vươn thẳng lên kiêu hãnh của bầy con bà ấy, chả có cái nào không có đóng góp của bà. Bà còng. Nhưng bà còng toàn tâm yêu thương và lo lắng các con. Vô điều kiện. Nhiều khi sung sướng lên, bà còn cười móm mém bảo, chúng vun vén cho vợ con của nó là sự thường, ở đời nó vậy! Nhưng ở đời có thật vậy hết như bà nói không thì không ai biết. Ngay cả bà những lúc khóc thầm cũng không tự vấn. Khóc xong, đôi khi bà còn sợ con cháu phát hiện được. Sự lý nghịch ngạo thế đấy.
Miếng trầu cay làm đỏ thắm vành môi bà. Bà có vẻ ngập ngừng vẻ như muốn nói ra điều gì.
- Tôi sắp đi xa, bà ạ!
Bà nói nhanh như bắn vội một mũi tên. Mũi tên ấy làm nhói trái tim già nua ngoại tôi.
- Ừ.
Giọng ngoại buồn rười rượi.
Cả bà còng và ngoại đều biết chuyện này nhưng chẳng ai muốn đón nhận nó. Bà còng đã quá mệt mỏi và phiền lòng khi cứ dăm vài tháng lại gói ghém đồ đạc chuyển từ nhà người con này sang nhà đứa khác.Bà già rồi. Bà chỉ cần an yên thôi.
Bà còng đã sống ở trại dưỡng lão ở ngoại ô thành phố một thời gian. Cho dù thế, bà cũng không hề rời khỏi ký ức của ngoại và tôi.Ngoại vẫn trông ra cửa cố chờ nghe tiếng ho húng hắng của bạn già.
Ngoại chờ mãi, chờ mãi...
-Không biết bà ấy có bị làm sao không? Đám con của bà ấy có đưa mấy đứa cháu lên thăm cho bà ấy vui không? Chúng mày không biết đấy thôi…
Ngoại tôi thi thoảng vẫn vu vơ như thế!
Tôi, ban đầu cũng cho là ngoại nhớ bạn, mà đâm lẩn thẩn. Mãi sau mới ngộ ra được!
P.T.H