Khủng hoảng chính trị lan rộng tại Venezuela
Tòa án tối cao Venezuela (TSJ) tuyên bố đã từ bỏ những bước đi nhằm giành quyền lập pháp của Quốc hội do phe đối lập kiểm soát, sau khi động thái này gây ra phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế cũng như làm gia tăng sức ép lên Tổng thống Nicolas Maduro.
Lực lượng vệ binh quốc gia Venezuela giải tán một cuộc biểu tình của sinh viên trước Tòa án tối cao ngày 31.3
Yêu cầu sớm bầu cử
Sau cuộc họp khẩn cấp với các quan chức an ninh của Chính phủ Venezuela, Tổng thống N. Maduro đã xuất hiện trên truyền hình và yêu cầu tòa án xem xét lại quyết định của ông trước đó đề nghị giải tán Quốc hội và tăng thêm quyền cho tổng thống. Tổng thống Maduro cũng đã mời lực lượng đối lập đàm phán, nhưng các nhà lãnh đạo đối lập không chấp nhận đối thoại cho đến khi chính phủ đáp ứng một số yêu cầu của họ, chẳng hạn như tổ chức bầu cử tổng thống vào năm 2018. Những người phản đối ông Maduro cho biết, họ sẽ tiến hành thủ tục buộc thay thế các thành viên của Tòa án tối cao, cơ quan mà họ cho là ủng hộ Tổng thống Maduro. Nỗ lực này cùng với nhiều cuộc xuống đường của lực lượng đối lập nhiều khả năng khiến tình hình Venezuela thêm căng thẳng.
Trong khi đó, phát biểu trên truyền hình, ông Maduro nói: “Venezuela đang trải qua một giai đoạn nguy hiểm về chính trị. Đó là một cuộc tấn công rất tàn bạo bởi thế lực trong bóng tối muốn tiếp quản quê hương của chúng ta”. Các cuộc biểu tình do lực lượng đối lập tiến hành khiến lực lượng Vệ binh Quốc gia phải sử dụng hơi cay để giải tán. Mục đích của phe đối lập là nhằm chấm dứt 18 năm cầm quyền của đảng Xã hội Thống nhất Venezuela do Tổng thống Maduro đứng đầu.
Phản ứng quốc tế
Quyết định của Tổng thống Maduro giải tán Quốc hội làm bùng lên các phản ứng của quốc tế. Liên hiệp quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và nhiều nước láng giềng của Venezuela phản đối quyết định, xem đó là con đường dẫn tới “độc tài”. Quốc hội là nơi mà phe đối lập giành quyền kiểm soát đa số vào cuối năm 2015 trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có.
Theo Reuters, ngày 2.4, sau khi có phán quyết của Tòa án tối cao Venezuela hủy bỏ quyết định của ông Maduro giải tán Quốc hội, Khối thương mại Nam Mỹ Mercosur (Argentina, Brazil, Paraguay, Uruguay và Argentina) nhóm họp bàn về cuộc khủng hoảng chính trị của Venezuela đã ra tuyên bố kêu gọi Venezuela có “biện pháp cụ thể ngay lập tức” để đảm bảo phân chia quyền lực rõ ràng giữa lập pháp - hành pháp và tư pháp. Venezuela đã bị đình chỉ tư cách thành viên Mercosur từ tháng 12-2016.
Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) trước đó cũng đã cân nhắc quyết định trục xuất Venezuela ra khỏi OAS. Tuy nhiên, Cuba đã phản đối quyết định này. Bộ Ngoại giao Cuba đã ra tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ chủ quyền, độc lập, tự quyết và phẩm giá của Venezuela cũng như tất cả các các nước châu Mỹ. Hàng ngàn người Venezuea ủng hộ chính phủ cũng đã xuống đường phản đối ý định trục xuất Venezuela khỏi OAS.
Nền kinh tế và xã hội Venezuela gặp nhiều khó khăn bất chấp trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của nước này. Lạm phát hiện nay ở mức 3 con số, tình trạng thiếu lương thực, thuốc men ngày càng trầm trọng và tội phạm đường phố tăng nhanh. Năm 2016, phe đối lập đã kêu gọi một cuộc trưng cầu ý dân để bãi nhiệm Tổng thống Maduro và mở một cuộc bầu cử tổng thống mới vào đầu năm 2017. Tuy nhiên, Ủy ban bầu cử quốc gia Venezuela cho rằng, các chữ ký thu thập để tổ chức trưng cầu dân ý là giả mạo. Nhiệm kỳ của Tổng thống Maduro sẽ kết thúc vào tháng 1-2019.
Nhiều cuộc thăm dò ý kiến cho thấy, số người ủng hộ ông Maduro đã giảm xuống dưới mức 20%. Nhưng Chính phủ Venezuela vẫn được sự ủng hộ đáng kể, đặc biệt là người nghèo Venezuela. Họ là những đối tượng được hưởng lợi từ những chính sách phúc lợi như nhà ở giá rẻ và nhiều khoản trợ cấp khác. Họ cũng thường xuyên tổ chức các cuộc biểu tình để chứng minh sự ủng hộ của họ với Chính phủ của ông Maduro.
Theo SGGP