Phát huy giá trị di tích đình Cẩm Thượng và chùa Ông Nhiêu:
Còn nhiều việc cần làm
Trong những năm qua, tình trạng đình Cẩm Thượng và chùa Ông Nhiêu (TP Quy Nhơn) bị xuống cấp, xâm phạm đã nhận được nhiều sự quan tâm. Sau rất nhiều cuộc họp bàn, điều đọng lại là tìm ra hình thức đầu tư, quản lý và khai thác phù hợp để “đánh thức” và phát huy giá trị hai di tích này.
Vỏ mới - ruột cũ, vỏ cũ - ruột mới
Năm 2012, đình Cẩm Thượng được UBND TP Quy Nhơn đầu tư kinh phí tôn tạo sửa chữa cổng, tường rào, nhờ vậy có được “vỏ mới” khang trang hơn. Tuy nhiên, việc cải tạo bên trong đình vẫn chưa được tiến hành đồng bộ. Hiện tại, trong đình vẫn còn chứa nhiều đồ đạc, còn được dùng làm nơi giữ ô tô. Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn, lý giải: “Bộ phận làm việc của trung tâm ở đình Cẩm Thượng đã chuyển đến chỗ mới, nhưng nơi này chật nên vẫn phải để tạm một số trang thiết bị ở lại đình. Trong thời gian chờ cải tạo lại, một người dân ở gần đó đến xin đậu nhờ một chiếc ô tô con ở một góc sân ngoài trời. Hằng tháng họ có trả tiền phí vài trăm ngàn, được giao cho bảo vệ di tích mua hoa quả cúng đình”.
Chùa Ông Nhiêu (ở khu vực 5, phường Trần Hưng Đạo) chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và tín ngưỡng, trải qua nhiều năm bị “lãng quên” nên thu hẹp về diện tích và xuống cấp nặng. Từ năm 2008 đến 2011, thành phố đã đầu tư một số kinh phí để chống mối mọt, tu bổ, gia cố chống xuống cấp. Không gian tâm linh ở chùa Ông Nhiêu được khôi phục, người dân cùng góp công, góp tiền để tu sửa khang trang, ấm cúng hơn khu vực thờ tự.
Tháng 9.2012, UBND TP Quy Nhơn thành lập và kiện toàn Ban Quản lý di tích chùa Ông Nhiêu với 10 thành viên là cán bộ, người dân địa phương. “Chúng tôi thường có mặt tại di tích để cùng phối hợp quản lý, chăm sóc di tích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đến sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh một cách có văn hóa, đúng quy định của pháp luật”, ông Lê Văn Tráng, Phó trưởng Ban Quản lý di tích chùa Ông Nhiêu, cho biết. Chùa Ông Nhiêu phần nào đã có được “ruột mới”, thu hút nhiều người dân và du khách đến cúng viếng. Tuy nhiên, bên ngoài di tích vẫn là “vỏ cũ” như nhiều năm qua với lối vào là con hẻm nhỏ, không gian thờ tự bị bao vây bởi các công trình xây dựng xâm phạm.
Đầu tư để “đánh thức” giá trị
Ông Lê Ngọc Anh cho biết: “Nhiều năm qua, đã có rất nhiều cuộc họp được tổ chức để ghi nhận ý kiến góp ý của sở, ban, ngành liên quan về việc tu sửa 2 di tích này. Ngày 8.7.2013, Sở VH-TT&DL đã có thông báo về việc xem xét, thỏa thuận phương án thiết kế, cải tạo, nâng cấp, tu bổ, phục hồi chùa Ông Nhiêu và cải tạo, xây dựng lại đình Cẩm Thượng. Chúng tôi đang tham mưu để thành phố trình tỉnh xem xét cho chủ trương cụ thể”.
Theo đó, việc sửa chữa, nâng cấp, tu bổ, phục hồi di tích chùa Ông Nhiêu có các nội dung: thu hồi đất hai hộ gia đình đang ở tiếp giáp phía Đông và phía Tây công trình di tích (nằm trong khu vực 1 bảo vệ di tích); tháo dỡ phòng sinh hoạt tạm thời của khu vực 5, phường Trần Hưng Đạo, nằm ở vị trí phía trước nhà cổng, án ngữ lấn át không gian chùa. Đồng thời, tu bổ phục hồi điện thờ chính theo kiến trúc gốc hiện có, nhà kết cấu gỗ, dựng nhà lá mái ba gian hai chái theo kiến trúc truyền thống Bình Định; cải tạo, sửa chữa tu bổ phục hồi nhà cổng, xây dựng khu nhà vệ sinh… Tổng mức đầu tư dự kiến gần 3,9 tỉ đồng từ ngân sách của thành phố.
Di tích đình Cẩm Thượng cũng được xin chủ trương cải tạo, xây dựng lại các nhà đại đình đón tiếp và hậu cung thờ cúng, lát gạch sân, xây tường rào 3 mặt tiếp giáp nhà dân ở hai bên và phía sau đình… với tổng mức đầu tư dự kiến gần 3 tỉ đồng.
Việc trùng tu, tôn tạo chùa Ông Nhiêu và đình Cẩm Thượng là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải gắn liền với việc “đánh thức” giá trị di tích, phát huy được hiệu quả trong việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tìm hiểu truyền thống văn hóa - lịch sử của đô thị Quy Nhơn. Bà Nguyễn Thị Xí, ở gần chùa Ông Nhiêu, bày tỏ: “Bà con rất mong những sự đầu tư trên sớm tiến hành để bộ mặt di tích được đẹp hơn. Chúng tôi vẫn tiếp tục tự nguyện thành tâm góp tiền, góp sức để góp phần tu bổ, chăm sóc chùa Ông Nhiêu”.
HOÀI THU