Hoa kiều - vũ khí kinh tế bí mật của Trung Quốc
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tin rằng Hoa kiều đóng một vai trò rất lớn trong việc định hình kinh tế và chính trị của đất nước. Quan điểm này đã được chứng thực bởi sự đóng góp rất lớn của cộng đồng Hoa kiều ở Philippines, Indonesia và những nơi khác tạo nên sự tăng trưởng kinh tế như vũ bão của Trung Quốc trong thời gian nhiệm kỳ của ông Tập.
Cộng đồng Hoa kiều đang trở thành những nhà đầu tư quan trọng tại Trung Quốc đồng thời là trung gian cho các mối làm ăn của các thành phần khác.
Vai trò của cộng đồng Hoa kiều
Cộng đồng Hoa kiều ước tính có khoảng 60 triệu người. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng khi có rất nhiều người Trung Quốc đang nghiên cứu và học tập ở nước ngoài.
Con số 60 triệu người gần bằng số dân của một quốc gia lớn thứ 25 trên thế giới và khối tài sản mà cộng đồng Hoa kiều đang nắm giữ tương đương với tài sản của người giàu có đứng thứ 8 của thế giới, tức khoảng 2,5 nghìn tỷ USD.
Những Hoa kiều giàu có nhất chủ yếu xuất phát từ tỉnh Phúc Kiến. Những người này cũng đang nằm trong nhóm người giàu có nhất tại Philippines, Indonesia và Singapore. Trong khi đó, cũng có rất đông Hoa kiều, xuất thân từ thành phố Triều Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, đang sinh sống tại Thái Lan.
Cộng đồng Hoa kiều đang nắm giữ hầu hết các dự án kinh tế tại Hạ Môn và Phúc Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), do vậy đối với Chủ tịch Tập, họ có một tầm quan trọng vô cùng to lớn.
Chính sách của Bắc Kinh hướng tới Hoa kiều
Trong lịch sử, cộng đồng Hoa kiều đã có nhiều đóng góp lớn. Đó là Tôn Trung Sơn (hay Tôn Dật Tiên), một Hoa kiều ở Hawaii, người lãnh đạo cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911 lật đổ Triều đại Mãn Thanh và khai sinh ra Trung Hoa Dân Quốc. Đó là Đặng Tiểu Bình, người đi đầu trong chính sách mở cửa và cải cách của Trung Quốc năm 1978. Để thu hút thêm đầu tư vào Trung Quốc, ông Đặng - khi ấy là một lãnh tụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc - đã cho thành lập các đặc khu kinh tế tại những khu vực mà có đông Hoa kiều từ đó ra đi.
Nếu không có sự đóng góp của những Hoa kiều, những nỗ lực mở cửa và cải cách của Trung Quốc sẽ còn kéo dài lâu hơn nữa mới đạt được kết quả như ngày hôm nay.
Kể từ tháng 6.1989, khi các công ty nước ngoài bắt đầu rút đầu tư khỏi Trung Quốc, chính những Hoa kiều đã bù đắp vào các khoản đầu tư thiếu hụt trên.
Cha của Chủ tịch Tập, ông Tập Trọng Huân, là chính trị gia đầu tiên thừa nhận những giá trị đóng góp to lớn của cộng đồng Hoa Kiều. Tại một cuộc họp năm 1984, ông Tập Trọng Huân đã nhấn mạnh rằng cộng đồng Hoa Kiều có đầy đủ những năng lực quản lý tài chính, công nghệ và kinh tế. Trung Quốc cần lôi kéo họ để tham gia tích cực vào quá trình xây dựng kinh tế của đất nước.
Sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Chủ tịch Tập (nhằm phát triển cơ sở hạ tầng dọc các hành lang kinh tế nối liền châu Á và châu Âu) bao gồm các tuyến đường bộ và đường biển. Tuyến đường này có ý nghĩa rất lớn đối với an ninh quốc gia. Tuyến đường biển càng đặc biệt quan trọng bởi vì nó không chỉ đóng góp quan trọng vào an ninh mà còn đối với kinh tế của Trung Quốc, bởi vì nó đi qua những khu vực mà có đông Hoa kiều sinh sống. Chính bởi vì hiểu rõ tầm quan trọng của cộng đồng Hoa kiều, Chủ tịch Tập mới đưa tuyến đường biển vào trong sáng kiến này.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang hướng tới việc thành lập một khu vực phát triển mới nhằm khai thác năng lực tài chính và công nghệ của cộng đồng Hoa kiều.
Vai trò của cộng đồng Hoa kiều trong chính sách của Trung Quốc hướng tới Mỹ
Số lượng Hoa kiều sinh sống tại Mỹ đang tăng lên nhanh chóng với 4,6 triệu người. Con số này dự kiến sẽ còn tăng tới 6 triệu người trong vòng 10 năm tới và 10 triệu người trong 20 năm tới. Điều đó có nghĩa là Hoa kiều sẽ trở thành nhân tố quyết định trong các cuộc bầu cử ở Mỹ.
Có rất nhiều Hoa kiều ở Mỹ có quan hệ làm ăn với Trung Quốc đại lục. Nhiều Hoa kiều đang nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt trong chính phủ Mỹ. Cộng với một số lượng lớn công dân Trung Quốc đang nghiên cứu và học tại Mỹ trong những năm gần đây, Bắc Kinh tin rằng việc ngày càng có nhiều người Trung Quốc nắm giữ các vị trí chủ chốt trong chính phủ Mỹ là điều có thể.
Các Hoa kiều ở Mỹ cũng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hồng Hà (Theo Nikkei Asian Review)