Tái cơ cấu sản xuất để nâng cao giá trị hạt muối
Thực tế sản xuất muối ở tỉnh ta cho thấy, diêm dân thường xuyên rơi vào cảnh “được mùa rớt giá” hoặc “được giá mất mùa”, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của họ. Do đó, tái cơ cấu sản xuất, nâng cao giá trị hạt muối là yêu cầu bức thiết của ngành chức năng. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, về định hướng tái cơ cấu sản xuất muối tại tỉnh ta.
● Xin ông cho biết về thực trạng sản xuất muối ở tỉnh ta hiện nay?
- Theo thống kê, toàn tỉnh có gần 200 ha ruộng muối, với trên 1.300 hộ chuyên sinh sống bằng nghề làm muối, tập trung ở các xã: Mỹ Cát, Mỹ Thành (Phù Mỹ), Cát Minh (Phù Cát) và Phước Thuận (Tuy Phước). Trong vụ sản xuất muối năm 2016, sản lượng muối toàn tỉnh trên 27.270 tấn, năng suất bình quân gần 155 tấn/ha, tăng 16,7 tấn/ha so với năm 2015. Đáng ghi nhận là tại các cánh đồng muối trong tỉnh đã có 18,7 ha ruộng muối trải bạt, góp phần tăng năng suất, hiệu quả sản xuất.
Tuy vậy, thực tế sản xuất muối ở tỉnh ta nhiều năm qua thường xuyên lâm vào cảnh “được mùa rớt giá” làm cho đời sống diêm dân gặp nhiều khó khăn. Trong vụ sản xuất 2016, giá muối đất sản xuất thủ công chỉ từ 400 - 600 đồng/kg; muối sạch trải bạt 600 - 900 đồng/kg. So với năm 2015, giá muối bán ra thấp hơn từ 10 - 30% và chỉ bằng từ 45 - 50% so với năm 2014. Hiện nay, một số đồng muối trong tỉnh đang bắt đầu vào vụ thu hoạch nhưng giá muối vẫn ở mức khá thấp.
Sản xuất muối trải bạt tại đồng muối Diêm Vân, xã Phước Thuận (Tuy Phước). Ảnh: NGUYỄN HÂN
● Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có đến 2 nhà máy chế biến muối, tuy nhiên sản lượng muối thu mua của các nhà máy rất ít, vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
- Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá muối bấp bênh, tiêu thụ khó khăn là do phần lớn diện tích muối trong tỉnh hiện nay vẫn còn sản xuất theo lối thủ công, muối lẫn tạp chất nhiều, chất lượng thấp. Bên cạnh đó, do sản xuất manh mún, thiếu sự liên kết của các hộ làm muối để hình thành các tổ hợp tác hoặc tổ sản xuất gắn với đầu ra nên thường xuyên bị thương lái ép giá mỗi khi muối được mùa. Bên cạnh đó, việc đầu tư ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất muối còn chậm, diêm dân còn e ngại trong sản xuất muối sạch, dẫn đến chất lượng muối không đảm bảo. Phần lớn lượng muối trong tỉnh hiện chỉ phục vụ sản xuất muối sinh hoạt tiêu dùng hàng ngày chứ không đáp ứng được cho sản xuất công nghiệp và y tế, do vậy giá thành khá thấp.
● Trước thực trạng sản xuất muối ở tỉnh ta như vậy, mục tiêu tái cơ cấu ngành muối trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa ông?
- Mục đích tái cơ cấu sản xuất muối phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhằm đảm bảo sản lượng, tăng chất lượng và giảm giá thành sản xuất, tăng thu nhập cho diêm dân. Sở NN&PTNT đã giao Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn tiến hành quy hoạch lại các cánh đồng muối hiện có; đồng thời lấy ý kiến tham gia của các sở, ngành chức năng, chính quyền địa phương nhằm xây dựng dự thảo chính sách phát triển ổn định nghề muối đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu là giữ ổn định các đồng muối sạch hiện có và đầu tư mở rộng diện tích muối sạch đến năm 2020 ổn định 200 ha, sản lượng trên dưới 27.000 tấn. Đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến muối và các sản phẩm sau muối với trang thiết bị và công nghệ sản xuất hiện đại gắn với bảo vệ môi trường. Ổn định vùng sản xuất muối sạch tập trung tại cánh đồng muối Đề Gi; xây dựng chuỗi ngành hàng theo hướng tăng cường liên kết giữa hộ sản xuất với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến muối thông qua tổ hợp tác, HTX. Tăng cường áp dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất muối với công nghệ phủ bạt ô kết tinh, phương pháp trải bạt trên nền ô kết tinh, công nghệ tuyển rửa muối ngay sau thu hoạch. Từng bước đầu tư cơ giới hóa ở các đồng muối tập trung có đủ điều kiện thực hiện cơ giới hóa.
● Để thực hiện được mục tiêu đề ra, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ triển khai những nhiệm vụ, giải pháp gì?
- Đối với sản xuất muối thủ công, Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương chỉ đạo rà soát lại thực trạng sản xuất muối tại địa phương để có biện pháp đầu tư hạ tầng, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất. Tỉnh sẽ ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án khuyến nông, khuyến công, giảm nghèo… hỗ trợ diêm dân xây dựng các mô hình sản xuất muối sạch trải bạt, tạo điều kiện cho các hộ diêm dân học hỏi kinh nghiệm, nhân ra diện rộng. Đối với vùng sản xuất kém hiệu quả, vận động diêm dân chuyển sang nuôi trồng thủy, hải sản và ngành nghề nông thôn phù hợp.
Khuyến khích các hộ diêm dân tự nguyện tích tụ ruộng đất, thành lập các tổ liên kết, tổ hợp tác sản xuất muối sạch và ký kết hợp đồng tiêu thụ muối ổn định với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất chế biến muối tại địa phương, đảm bảo giá cả hai bên cùng có lợi. Tăng cường chỉ đạo các đơn vị sản xuất muối sạch đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và thu hoạch muối, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng mặt hàng muối, đáp ứng nhu cầu muối chất lượng cao cho ngành công nghiệp hóa chất, tạo điều kiện tiêu thụ muối cho diêm dân.
Về đầu tư và tín dụng, tỉnh kiến nghị các tổ chức tín dụng, ngân hàng tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất và người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9.6.2015 của Chính phủ về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19.12.2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14.11.2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, trong thời gian đến, tỉnh sẽ ưu tiên bố trí, sử dụng lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, vốn ngân sách tỉnh để đầu tư cơ sở hạ tầng tại các vùng sản xuất muối tập trung, hỗ trợ diêm dân ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm muối trên thị trường.
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)