Xét xử lưu động: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật
Xét xử lưu động được xem là một trong các hình thức tuyên truyền pháp luật trực quan mang lại hiệu quả thiết thực, đồng thời góp phần răn đe các đối tượng có nguy cơ cao vi phạm pháp luật.
Một phiên tòa do TAND TP Quy Nhơn xét xử lưu động tại hội trường UBND xã Nhơn Hội, thu hút rất đông người dân tới tham dự. Ảnh: KIM CHI
1.
Mục đích của các phiên tòa lưu động là để người dân tham dự có thêm hiểu biết về pháp luật, lại hiểu rõ hơn về các loại tội phạm và hình phạt cụ thể; ngoài ra còn nhằm giáo dục, phòng ngừa chung. Bà Phan Thị Thúy, Phó Chánh án TAND TP Quy Nhơn, cho biết: “Theo sự chỉ đạo của TAND Tối cao và Ban Thường vụ Thành ủy, hàng năm, TAND TP Quy Nhơn đưa ra xét xử lưu động một số vụ án tại các xã, phường trên địa bàn thành phố. Những địa phương tổ chức xét xử lưu động là nơi xảy ra tội phạm, và việc đưa vụ án xét xử lưu động góp phần đưa kiến thức pháp luật đến với người dân. Trong tình hình tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng có chiều hướng gia tăng như hiện nay, những phiên tòa lưu động này cũng góp phần răn đe, giáo dục”.
Như phiên tòa xét xử bị cáo Huỳnh Thúc Nguyên (SN 1991, trú tại phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn), về tội trộm cắp tài sản mà TAND TP Quy Nhơn tổ chức lưu động tại UBND phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn) mới đây đã thu hút khá đông người dân đến xem. Tại phiên tòa, bị cáo Nguyên khai nhận vì không có tiền tiêu xài nên đã nổi lòng tham, đột nhập vào nhà bà Lê Thị Em (tổ 9, KV 7, phường Bùi Thị Xuân) để trộm đồ. Khi phát hiện trong phòng ngủ có két sắt, Nguyên lục lọi trong nhà tìm dụng cụ để đục phá két, lấy đi hơn 19,5 chỉ vàng. Sau đó, bị cáo đem số vàng này bán lại ở nhiều tiệm vàng khác nhau, lấy tiền tiêu xài cá nhân. Bà Thủy, một người dân địa phương tới dự tòa, bức xúc: “Tôi đang đi chợ, nghe có phiên tòa tại phường nên ghé vào xem. Gia đình tôi từng bị trộm nên hiểu được cảm giác bị mất tài sản. Tôi thật không ngờ tên trộm táo bạo đến mức vậy. Tòa phải xử thật nghiêm cho kẻ khác sợ mà không dám trộm cắp. Xử trước bàn dân thiên hạ như vậy cho chúng biết xấu mặt mà chừa đi”.
2.
Không chỉ riêng phiên xét xử này, nhiều phiên tòa lưu động khác cũng đạt kết quả tích cực. Có nhiều người dân chia sẻ, cả đời họ không biết đến tòa án, khi có phiên tòa lưu động, ban đầu là họ đi xem vì tò mò, nhưng khi đến xem rồi họ mới hiểu được việc xét xử của tòa án, hiểu rõ hơn về pháp luật. Như mới đây, tại nhà văn hóa thôn Vĩnh Bình, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh, TAND huyện cũng đã tổ chức phiên tòa lưu động xét xử bị cáo Lê Thị Lựu (ở địa phương trên) cùng đồng bọn về tội đánh bạc và gá bạc. Điều đáng nói ở đây là các bị cáo đều là phụ nữ, thay vì chăm chỉ lao động và vun vén cho gia đình thì lại vướng vào vòng lao lý vì “máu đỏ đen”. Kết thúc phiên tòa, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Lựu 14 tháng tù giam, các bị cáo còn lại từ 9 đến 12 tháng tù giam, sung công quỹ số tiền 26 triệu đồng thu giữ tại hiện trường. Chị Hoàng Kim Phượng, người dân xã Vĩnh Thịnh đi xem phiên tòa, chia sẻ: “Tôi nghĩ bản án tòa tuyên là thích đáng và thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Theo tôi, tòa án nên tổ chức nhiều phiên xét xử lưu động như thế này để người dân theo dõi, hiểu biết thêm pháp luật, từ đó hạn chế được việc vi phạm pháp luật, bởi đây cũng là lần đầu tiên tôi đi dự tòa như thế này”.
3.
Nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp cũng như nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật đến nhân dân, thời gian qua, nhiều vụ án lớn, án đặc biệt nghiêm trọng, điển hình, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, như giết người, cố ý gây thương tích, buôn bán trái phép chất ma túy, đều được tòa án 2 cấp khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử lưu động kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương. Đơn cử như vụ án Tạ Công Chí (ở Ân Thạnh, Hoài Ân) cùng 17 bị cáo khác phạm tội giết người và gây rối trật tự công cộng; vụ án Lê Cẩm Linh (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) phạm tội cố ý gây thương tích; vụ án Lê Duy Hà (ở TP Pleiku, Gia Lai) phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy, xử lưu động tại TX An Nhơn.
Theo thống kê của TAND tỉnh, trong năm 2016, TAND 2 cấp đã đưa ra xét xử lưu động 95 vụ án hình sự sơ thẩm, riêng từ đầu năm 2017 đến nay đã tổ chức 18 phiên tòa lưu động. Để đảm bảo chất lượng các phiên tòa lưu động, TAND 2 cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan tiến hành tố tụng và chính quyền địa phương chuẩn bị điều kiện cần thiết cho việc tổ chức phiên tòa như: lựa chọn các vụ án, chọn địa điểm, thời gian xét xử, công tác bảo đảm ANTT... Đồng thời, thông tin về vụ án, thời gian, địa điểm xét xử cũng được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhiều người dân biết và đến theo dõi phiên tòa.
Theo ông Đặng Thành Thái, Phó Chánh án TAND tỉnh, cho biết thêm: Khi đưa các vụ án ra xét xử lưu động, hội đồng xét xử đã vận dụng các phương pháp nghiệp vụ, kinh nghiệm để phân tích, giải thích pháp luật ngay tại phiên tòa, góp phần tác động trực tiếp đến tư tưởng, nhận thức của người dân, nhất là thanh thiếu niên. Từ đó, người dân được hiểu thêm nhiều kiến thức pháp luật và biết cách răn dạy con em, thành viên trong gia đình không vi phạm pháp luật, xây dựng được ý thức và tinh thần thượng tôn pháp luật đối với mỗi công dân. Mặt khác, thông qua các phiên tòa, người dân có thêm thông tin về các thủ đoạn phạm tội mới, qua đó nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh và phòng ngừa tội phạm.
KIM CHI - KIỀU ANH