Hỗ trợ DN nhỏ và vừa không chỉ bằng vật chất cụ thể
Sáng nay 5.4, Hội nghị ĐBQH chuyên trách thảo luận về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNNVV).
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, yêu cầu hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm, có thời gian và có tính toán đến cân đối nguồn lực để bảo đảm tính khả thi của chính sách, tránh dàn trải, chung chung.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để có thể phát triển.
Chỉ còn 3 loại quỹ hỗ trợ
Báo cáo tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, dự thảo Luật đã tiếp thu, hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước và quy định thu hẹp các đối tượng được hỗ trợ. Cụ thể, hạn chế các hình thức hỗ trợ trực tiếp từ các chương trình, đối tượng thu hẹp trọng tâm hơn (DNNVV chuyển từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị) đối với các biện pháp hỗ trợ về tín dụng, đào tạo, tư vấn...
Dự thảo Luật cũng quy định theo hướng tập trung hỗ trợ cụ thể cho DN khởi nghiệp sáng tạo, DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Trên cơ sở đó, điều chỉnh lại nội dung hỗ trợ có liên quan đến sử dụng ngân sách Nhà nước như nguồn tín dụng hỗ trợ từ Nhà nước và nguồn vốn của Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Đối với DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, dự thảo Luật quy định hướng tập trung hỗ trợ đối với DNNVV trong lĩnh vực sản xuất, chế biến; hỗ trợ đổi mới sáng tạo liên quan đến quy trình công nghệ, vật liệu, linh kiện, máy móc thiết bị nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ. Các lĩnh vực khác sẽ do Chính phủ quyết định tùy theo lĩnh vực ưu tiên từng thời kỳ sau khi trình UBTVQH cho ý kiến.
Về ý kiến đề nghị không nên quy định quá nhiều quỹ vì nguồn lực có hạn và để bảo đảm tính khả thi của quỹ, cần quy định rõ tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của các quỹ, dự thảo Luật đã bỏ quy định về Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương.
Hiện nay, dự thảo Luật chỉ quy định về 3 quỹ, trong đó có 2 quỹ đã được thành lập và đang hoạt động. 2 quỹ này cần kiện toàn về tổ chức và mô hình hoạt động để hỗ trợ DNNVV hiệu quả hơn.
“Chính phủ đang chỉ đạo Dự thảo 04 Nghị định hướng dẫn Luật gồm: Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật hỗ trợ DNNVV, Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV, Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và Nghị định về quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; trình kèm theo dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này”, ông Vũ Hồng Thanh nói thêm.
Cần nhiều hỗ trợ khác ngoài “vật chất, đất, thuế”
Thẳng thắn nhận định rằng dù đã có sự điều chỉnh, tiếp thu nhiều nội dung, nhưng dự thảo Luật vẫn cần làm rõ thêm nhiều vấn đề, ĐB Hoàng Quang Hàm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách băn khoăn: “Rõ ràng là DNNVV cần hỗ trợ, nhưng số DNNVV của chúng ta là rất lớn, nguồn lực ở đâu, hỗ trợ thế nào; cơ chế hoạt động của các quỹ ra sao. Cần cân nhắc quy định nguyên tắc “hỗ trợ DNNVV là trách nhiệm toàn diện của Nhà nước”, vì như thế dễ dẫn đến hiểu nhầm là hỗ trợ không giới hạn. Nhà nước tất nhiên có trách nhiệm hỗ trợ DN, nhưng mọi hỗ trợ phải phù hợp với cơ chế thị trường, hài hòa các lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp - nhân dân chứ không phải là bao cấp”.
ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) thì cho rằng, DNNVV không chỉ cần hỗ trợ bằng “vật chất, đất, thuế”. “Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của DN ở Việt Nam là quá cao, chưa kể chi phí không chính thức. DN càng nhỏ thì tỷ lệ chi phí càng lớn. Từ thực tế đó, cần chú trọng hơn nữa các giải pháp đẩy mạnh Chính phủ điện tử, nâng cao trình độ quản trị công… Đây cũng là những cách thức hỗ trợ hữu hiệu”, ĐB Hạnh phát biểu và gợi ý một biện pháp hỗ trợ là tư vấn miễn phí cho các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang loại hình DN có đăng ký kinh doanh. Ngược lại, theo ĐB, cũng cần có những ràng buộc nhất định đối với những DN được nhận hỗ trợ (như số lượng việc làm phải giải quyết, mức độ tăng trưởng, về bảo vệ môi trường)…
Có cùng quan điểm, ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhận xét: “Nhiều nội dung (như về cho vay ưu đãi, mặt bằng sản xuất…) đã có rồi, Luật chỉ cần quy định nguyên tắc để thực hiện, chứ nêu quá cụ thể trong Luật thì vừa dễ sót, vừa dễ trở thành không phù hợp khi điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi. Tôi cho rằng dự thảo nên tập trung vào một số vấn đề sau đây: đấu thầu, tiếp cận thị trường, chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp; đào tạo; cung cấp thông tin; đổi mới sáng tạo”.
Theo ANH PHƯƠNG (SGGP)