Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương mới
Thỏa thuận khung hợp tác giữa Liên minh Thái Bình Dương (PA) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được kỳ vọng trở thành một Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương mới, thay thế cho hiệp ước cũ bị đổ vỡ.
Thỏa thuận khung hợp tác giữa PA (gồm 4 nước: Chile, Colombia, Mexico và Peru) và ASEAN được ký kết bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc năm ngoái và nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Liên minh Thái Bình Dương lần thứ ba.
Thỏa thuận trở thành bộ khung cho mối quan hệ hợp tác trong tương giữa hai khối trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật và phát triển bền vững.
Đây cũng là thỏa thuận khung hợp tác đầu tiên giữa một tổ chức khu vực Đông Á và Mỹ La tinh. Thỏa thuận đánh dấu sự mở rộng phạm vi hợp tác cũng như tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai khu vực. Nó cũng phản ảnh sự thắt chặt quan hệ liên khu vực ở những cấp độ khác nhau của quá trình thể chế hóa.
Với nhiều lựa chọn khác nhau được đặt ra cho việc đàm phán thương mại của khu vực Thái Bình Dương sau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đổ vỡ và với việc Liên minh Thái Bình Dương ngày càng thể thể hiện vai trò tiềm năng trở thành mối quan hệ mũi nhọn giữa châu Á, Thái Bình Dương và Mỹ Latinh, quan hệ hợp tác sâu hơn giữa ASEAN và PA có thể mở ra một quan hệ đối tác chính với những ảnh hưởng chiến lược không chỉ tác động lên các nước thành viên của hai bên mà còn mở rộng đối với các đối tác châu Á-Thái Bình Dương.
Trục xoay châu Á của Liên minh Thái Bình Dương và Mỹ Latinh
Liên minh Thái Bình Dương là một sáng kiến hội nhập khu vực bao gồm bốn nước thành viên Chile, Colombia, Mexico và Peru, thành lập vào năm 2012, với một thị trường gồm 215 triệu dân, đóng góp 40% GDP cho khu vực Mỹ Latinh và 52% cho thương mại khu vực.
Mục tiêu của PA là thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa bốn quốc gia Mỹ Latinh, đồng thời đặt trọng tâm là mở rộng quan hệ với các quốc gia khác thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Kể từ đó tới nay, PA đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về hội nhập thương mại (với hơn 90% thuế quan nhập khẩu đã được xóa bỏ), có môi trường kinh doanh thuận lợi và cách thức hợp tác theo đường lối ngoại giao. Điều này đã góp phần thúc đẩy quan hệ với các nước ASEAN và khẳng định vị thế của khối.
Vào thời điểm hiện nay, khi tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, ngày càng có nhiều nước muốn tìm kiếm sự hợp tác với PA, bao gồm các quốc gia láng giềng như Argentina và Brazil cũng như Liên minh châu Âu (EU).
Những đề nghị hợp tác nói trên đang nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các nước thành viên PA, giữa lúc các nước này đang tìm cách phát triển các quan hệ đối tác mới và mở rộng cơ hội kinh doanh, nhất là sau khi TPP đổ vỡ.
Điều này được thể hiện rõ tại hội nghị thượng đỉnh gần đây, Chủ tịch PA tuyên bố sẽ tăng cường mức độ hội nhập và mở rộng mạng lưới thương mại, trong đó ASEAN và Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) là những ưu tiên hàng đầu.
Nhằm tăng cường củng cố vị thế của khối trở thành nhân tố chính của thương mại xuyên Thái Bình Dương, PA đã tổ chức "Đối thoại cấp cao về sáng kiến hội nhập ở châu Á-Thái Bình Dương: Những cơ hội và thách thức" hồi tháng 3 năm ngoái, có sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Thương mại của các nước tham gia ký kết TPP cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Colombia nhằm tìm kiếm những lựa chọn mới cho thương mại khu vực Thái Bình Dương. Kết quả, các nước tham dự đã nhất trí tiếp tục các cuộc thảo luận thông qua Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và tái khẳng định cam kết về việc xây dựng một khu vực tự do thương mại tiêu chuẩn cao.
Mối quan hệ ngày càng phát triển giữa PA và ASEAN
Quan hệ giữa PA và ASEAN khởi đầu từ năm 2014, khi Hội nghị cấp bộ trưởng đầu tiên được tổ chức bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Kể từ đó tới nay, các cuộc đối thoại thường niên vẫn được tổ chức đều đặn. Tại cuộc đối thoại gần đây nhất, hai bên đã đạt được thỏa thuận khung hợp tác PA-ASEAN, tập trung trên 4 lĩnh vực chính: kinh tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật và phát triển bền vững. Thỏa thuận được kỳ vọng sẽ đặt nền tảng cho việc xây dựng một quan hệ đối tác toàn diện.
Quan hệ thương mại giữa PA và ASEAN bắt đầu được mở rộng từ những năm 2000. Năm 2013, thương mại hai khối đã đạt 16,8 tỷ USD. Hiện khoảng 0,6% hàng xuất khẩu của PA đi vào thị trường Đông Nam Á.
Hai bên đã ký kết một loạt hiệp ước thương mại song phương vào cuối những năm 1990 và 3 thỏa thuận tự do thương mại ký vào những năm 2000. Cho tới nay, có 9 thỏa thuận đang có hiệu lực và 3 thỏa thuận khác đang được thương lượng.
Các hiệp ước song phương đang được thực thi giữa hai khối đang được kỳ vọng trở thành nền tảng để hai bên thúc đẩy một hiệp định thương mại tự do đa phương.
Hiện, ngoài việc cân nhắc mở rộng các lĩnh vực ô tô và điện tử, PA và ASEAN đang ưu tiên phát triển chuỗi giá trị toàn cầu như một trong những lĩnh vực hợp tác chính giữa hai bên.
Thách thức, Cơ hội và Ảnh hưởng chiến lược
Cơ sở hạ tầng không tương xứng, chi phí vận tải cao, hiểu biết về văn hóa của nhau còn hạn chế là những thách thức mà hai bên đang phải đối mặt.
Mức độ thể chế hóa khác nhau giữa các thành viên của mỗi khối, nguy cơ tranh chấp lợi ích quốc gia và những thay đổi trong cảnh quang chính trị trong nước cũng có nguy cơ gây cản trở tiến trình quan hệ của hai khối.
Tuy nhiên, ngữ cảnh hiện nay đã tạo cho ASEAN và PA một cơ hội tốt để xây dựng quan hệ đối tác.
Và một khi những lựa chọn đang được mở ra, những ảnh hưởng chiến lược của mối quan hệ vững chắc giữa PA và ASEAN sẽ trở nên hiện hữu rõ ràng hơn. Sự đa dạng hóa kinh tế sẽ giúp hai bên giảm bớt phụ thuộc vào các cường quốc kinh tế, trong khi nó giúp bảo vệ họ khỏi những tác động của một cuộc chiến thương mại.
Ngoài ra, quan hệ vững chắc giữa PA và ASEAN sẽ tạo ra một cơ chế mềm giúp bù đắp cho sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong các mối quan hệ xuyên Thái Bình Dương và Đông Á- Mỹ Latinh, góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định và vững chắc đối với tiến trình quan hệ hội nhập liên khu vực.
Hồng Hà (Theo The Diplomat)