Khẩn trương sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi
Liên tiếp các đợt lũ lụt lớn xảy ra vào cuối năm 2016 đã gây thiệt hại nặng đối với hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh, trong đó có các công trình do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Ðịnh quản lý. Tuy việc khắc phục giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo cấp nước cho sản xuất, song để đảm bảo an toàn công trình, phục vụ tốt nhu cầu tưới tiêu lâu dài, cần phải tái thiết khẩn cấp một số công trình đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Đập dâng Thạnh Hòa 1, phường Nhơn Hòa (An Nhơn) đang bị xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Ảnh: NGUYỄN HÂN
5 đập dâng và 2 tuyến kênh cần sửa chữa khẩn cấp
Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH KTCTTL Bình Định, cho biết: 5 công trình đập dâng và 2 tuyến kênh được đơn vị đề xuất sửa chữa khẩn cấp bởi các công trình này hiện đang bị xuống cấp rất nặng nề sau các đợt mưa lũ lớn xảy ra vào cuối năm 2016, gồm: đập dâng Lại Giang (Hoài Nhơn), đập Cây Gai (Phù Cát), đập Bình Thạnh, đập Thạnh Hòa 1 (An Nhơn), đập Nha Phu (Tuy Phước) và tuyến kênh dẫn nước từ sông Côn tiếp nước sông Hà Thanh cùng tuyến kênh N đập Cây Gai.
Đập dâng Cây Gai nằm trên sông La Tinh, xã Cát Hanh (Phù Cát) đang bị xuống cấp phần thân đập, hư hỏng bể tiêu năng, sạt lở hệ thống sân sau hạ lưu, thường xuyên bị thẩm lậu, nhiều mảng đá xây và bê tông không còn liên kết với nhau vì các mạch vữa đã lão hóa; các trụ pin cũng bị rò nước, bong mạch vữa, gây nguy cơ xảy ra sự cố vào mùa mưa lũ. “Đập dâng Cây Gai có vai trò quan trọng trong việc giữ nước sông La Tinh, phân phối cho các kênh nhánh, phục vụ tưới cho 1.800 ha đất sản xuất nông nghiệp của các xã phía Bắc huyện Phù Cát và các xã phía Nam huyện Phù Mỹ. Công ty đã tiến hành khảo sát rất kỹ tình trạng xuống cấp của đập, đề xuất Trung ương và tỉnh hỗ trợ kinh phí để sớm sửa chữa phần vai đập, gia cố hạ lưu đập bị xói lở, đảm bảo an toàn công trình. Dự kiến kinh phí để khắc phục, sửa chữa đập dâng này hơn 15 tỉ đồng” - ông Phú cho hay.
Đập dâng Bình Thạnh nằm giữa xã Nhơn Mỹ (An Nhơn) và Tây Vinh (Tây Sơn) cũng bị xuống cấp nghiêm trọng. Theo ông Đặng Văn Lành, Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ, đập dâng Bình Thạnh được xây dựng từ năm 1971, ngăn giữ nước sông Côn, tưới cho các cánh đồng của xã Nhơn Mỹ, Nhơn Hậu. Đến năm 1980, đơn vị khai thác thủy lợi đã nâng cấp, làm các tấm đan bằng bê tông để mở rộng mặt đập kết hợp làm đường giao thông. Đến nay, do đưa vào khai thác sử dụng quá lâu, thiếu các điều kiện bảo dưỡng, đập bị xuống cấp, các trụ pin bị bong tróc bê tông, thân đập nhiều chỗ bị thẩm lậu gây rò rỉ nước. Đáng ngại là đập có khẩu độ khá hẹp, trên mặt đập có kết hợp đường giao thông với chiều rộng chỉ có 1m, không có lan can bảo vệ an toàn nên vào mùa mưa lũ thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn chết người do nước lũ cuốn trôi. Việc nâng cấp đập dâng này là hết sức cấp thiết, để vừa đảm bảo an toàn công trình, vừa phục vụ nhu cầu đi lại của bà con nhân dân.
Đối với công trình đập dâng Thạnh Hòa 1, phường Nhơn Hòa (An Nhơn), qua khảo sát, đơn vị chức năng đánh giá, do đưa vào khai thác đã lâu, thiếu các biện pháp duy tu, bảo dưỡng nên các cửa, vai đập bị bong dộp bê tông. Bên cạnh đó, các cửa đập có khẩu độ thoát lũ hẹp; việc vận hành đóng, mở các cửa tràn khó khăn do bị xuống cấp. Để đảm bảo an toàn công trình, cần thiết phải sửa chữa, cải tạo mở rộng các cửa đập để đảm bảo việc thoát lũ, lắp đặt cửa van phẳng; gia cố, khắc phục xói lở hạ lưu đập, vai đập…
Vốn từ gói tái thiết sau lũ do WB tài trợ
Theo ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, các công trình đập dâng và hệ thống kênh mương mà Công ty TNHH KTCTTL Bình Định đề xuất sửa chữa khẩn cấp là hoàn toàn chính xác. Sở đã thành lập đoàn kiểm tra và thấy rằng các công trình này xuống cấp rất nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn trong các mùa mưa lũ đến. “Nếu chậm nâng cấp, nguy cơ xảy ra sự cố trong các mùa mưa lũ sắp tới là rất lớn” - ông Vui nhấn mạnh.
Trước đề xuất của Sở NN&PTNT, ngày 30.3.2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã ký Quyết định số 1105/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình đập dâng thuộc Tiểu dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung - Bình Định do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ vốn. Theo đó, các công trình đập dâng trên lưu vực sông Côn, La Tinh, Lại Giang do Công ty TNHH KTCTTL Bình Định đề nghị được tỉnh chấp thuận đưa vào gói tái thiết sau lũ. Tổng vốn đầu tư của các công trình này gần 189 tỉ đồng từ nguồn vốn vay của WB và vốn đối ứng ngân sách tỉnh; thời gian thực hiện từ năm 2017 - 2020. UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư với mục tiêu sớm sửa chữa, khắc phục, vận hành an toàn công trình; giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản nhân dân vùng hạ lưu.
Ông Tô Tấn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án NN&PTNT tỉnh (đơn vị chủ đầu tư dự án), cho biết: Sau khi có quyết định phê duyệt dự án của UBND tỉnh, hiện nay, ban đang tích cực làm việc với các bộ, ngành Trung ương và phía WB để tiến hành ký kết hiệp định tài trợ vốn. “Chậm nhất trong tháng 5.2017, hiệp định tài trợ vốn cho dự án nâng cấp, sửa chữa các đập dâng và công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh sẽ được ký kết để kịp thời khởi công trong thời gian đến” - ông Thi cho hay.
NGUYỄN HÂN