Hoạt động giao thông đường thủy nội địa trong điều kiện chưa đảm bảo hạ tầng: Siết chặt quản lý, kiểm tra
Thời gian qua, hoạt động kinh doanh vận chuyển khách bằng tàu thuyền, ca nô ở tỉnh ta có xu hướng phát triển mạnh, nhưng chất lượng dịch vụ và yêu cầu về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách cũng như quy định của pháp luật.
Hoạt động du lịch biển tại tỉnh ta đang phát triển khá nhanh, song bến bãi thủy nội địa phục vụ cho tàu chở khách du lịch chưa có.
- Trong ảnh: Hoạt động du lịch thủy nội địa tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn).
Hạ tầng sơ sài, phương tiện không đảm bảo
Theo Sở GTVT, toàn tỉnh hiện có 17 bến, bãi, điểm đón - trả khách thủy nội địa, trong đó, nhiều nhất là ở TP Quy Nhơn (8 bến), huyện Tây Sơn (3 bến), Tuy Phước (2 bến)... Tuy nhiên, chỉ có bến đò khu Du lịch Hầm Hô đã được UBND huyện Tây Sơn cấp phép hoạt động và bến Hàm Tử dùng chung với cảng cá Quy Nhơn. 15 điểm còn lại chưa có bến hoặc cầu dẫn, không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo Thông tư 50/2014/TT-BGTVT ngày 17.10.2014 của Bộ GTVT quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa nên chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép hoạt động.
“Sở GTVT đang hoàn thiện Ðề án phát triển giao thông đường thủy nội địa từ nay đến năm 2020 trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở triển khai, kêu gọi xã hội hóa lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Khi đó, hy vọng hạ tầng giao thông thủy nội địa tại tỉnh ta sẽ được cải thiện, nâng cao”- Phó Chánh thanh tra Trần Văn Ơi nói.
Ngoài ra, hiện phân nửa trong tổng số 180 tàu thuyền, ca nô các loại hoạt động kinh doanh du lịch, vận chuyển khách, hàng hóa đang hoạt động... đều chưa được đăng ký, kiểm định theo quy định. Chủ yếu là các tàu được cải hoán, chưa có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; người điều khiển chưa có bằng, chứng chỉ chuyên môn. “Đây chính là nỗi lo trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa ở tỉnh ta hiện nay”- đại tá Đỗ Đình Thảo, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, CA tỉnh, nhận xét.
Còn theo ông Trần Văn Ơi, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, lượng khách đến địa bàn tham quan, du lịch biển ngày càng tăng, nhưng người tham gia kinh doanh vận chuyển khách còn có tâm lý “ăn xổi ở thì”, thường mua các loại tàu không có giấy tờ, giá rẻ. Một số ngư dân ở xã Nhơn Lý, Nhơn Hải sử dụng tàu cá hoặc cải hoán để chở khách kiếm thêm thu nhập. Thậm chí dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở nhưng một số tàu không đủ điều kiện để chở khách vẫn cố tình hoạt động.
Mặt khác, cho đến nay kinh phí đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch biển đảo còn hạn chế, chưa có nhà đầu tư xây dựng bến thủy nội địa phục vụ du lịch; các bến hoạt động đa phần là tự phát. Điều này dẫn tới việc tổ chức quản lý hoạt động gặp nhiều khó khăn, nhất là các tuyến chở khách tham quan du lịch tự phát ven bờ biển TP Quy Nhơn.
Siết chặt quản lý, kiểm tra
Để siết chặt công tác quản lý, kiểm tra nhằm ngăn ngừa các vụ tai nạn đường thủy xảy ra, trong quý I.2017, CSGT đường thủy thường xuyên kiểm soát, lập biên bản xử phạt hành chính đối với 39 tàu thuyền, ca nô vi phạm với các lỗi phổ biến: phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, người lái phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định, vận chuyển hàng hóa, hành khách quá tải. Thanh tra Sở GTVT cũng đã kiểm tra, xử lý 8 trường hợp vi phạm.
Theo ông Đặng Văn Ái, Phó Giám đốc Sở GTVT, bởi đa số tàu, ca nô đang hoạt động vận chuyển người, hàng hóa hiện nay là tàu mua lại rồi cải hoán nên khi làm thủ tục đăng kiểm, chủ phương tiện không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Vì vậy, trong tháng 4.2017, Sở GTVT phối hợp cùng Chi cục Đăng kiểm số 4, Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số đơn vị, ngành chức năng có liên quan tổ chức cuộc họp, bàn bạc và tìm ra những giải pháp, phương án để tháo gỡ vướng mắc trên.
“Trong thời gian đến, CSGT đường thủy tăng cường quản lý, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động vận tải thủy nội địa; xử lý kiên quyết đối với các tàu không đăng kiểm, đăng ký, lái tàu không có bằng, chứng chỉ chuyên môn điều khiển theo quy định”- đại tá Đỗ Đình Thảo, khẳng định.
TRỌNG LỢI