HỎI ÐÁP VỀ BHXH, BHYT
Hỏi: Tôi bị tai nạn tại nơi làm việc và đã được Đoàn điều tra tai nạn lao động (TNLĐ) kết luận bị TNLĐ. Sau khi điều trị ổn định, tôi được giới thiệu đi giám định mức suy giảm khả năng lao động và được Hội đồng giám định y khoa kết luận bị suy giảm khả năng lao động 4%. Hỏi, tôi có được hưởng trợ cấp TNLĐ hay không? Trợ cấp hằng tháng hay trợ cấp một lần?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 43 của Luật BHXH thì người lao động bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 43 và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị TNLĐ thì mới được hưởng trợ cấp TNLĐ. Trường hợp ông/bà bị TNLĐ nhưng mức độ suy giảm khả năng lao động là 4% nên chưa đủ điều kiện để hưởng trợ cấp TNLĐ.
Hỏi: Kỹ sư Nguyễn Văn T., tốt nghiệp đại học ra trường tháng 7.2015, được một công ty tuyển dụng vào làm việc từ tháng 8.2015. Trong quá trình làm việc (môi trường làm việc tiếp xúc với bụi), tháng 6.2016 anh T. phát hiện mắc bệnh viêm phế quản mãn tính. Hỏi, trường hợp anh T. có được giải quyết hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp không?
Theo quy định tại Quyết định số 167/BYT ngày 4.2.1997 của Bộ Y tế thì thời gian tiếp xúc của bệnh viêm phế quản mãn tính nghề nghiệp là 3 năm. Do vậy, trường hợp anh T. làm việc cho doanh nghiệp (môi trường tiếp xúc với bụi) từ tháng 8.2015 đến tháng 6.2016 chưa đủ 3 năm nên không được giải quyết hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp.
BHXH TỈNH