Từ thẳm sâu mạch nguồn đồng bào
“Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn” (ca dao). Hôm nay, mồng Mười tháng Ba - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, thời khắc đặc biệt tiêu biểu cho ý thức hướng về cội nguồn của người dân Việt Nam. Hòa vào lòng dân cả nước, đã nhiều năm nay, người Bình Ðịnh đều đặn duy trì những hoạt động ý nghĩa hưởng ứng Quốc giỗ của dân tộc.
Trong di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, Đền Hùng và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng của tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày lễ trọng mang bản sắc văn hóa sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt Nam, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và biết ơn công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.
Trong di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, Đền Hùng và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng của tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: baomoi.com
Linh thiêng Giỗ Tổ
Từ hàng ngàn đời nay, người Việt đã lập đền thờ và thờ cúng các Vua Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra, còn có rất nhiều đình, đền, miếu… thờ cúng Hùng Vương, vợ con, tướng lĩnh thời các Vua Hùng ở Phú Thọ và nhiều tỉnh trong cả nước. Hằng năm đến Giỗ Tổ, triệu triệu đồng bào mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, dù ở nơi đâu vẫn hướng về Đất Tổ, hành hương về Đền Hùng, thể hiện lòng kính ngưỡng, tri ân, tôn vinh công đức tổ tiên, Vua Hùng và cầu cho đất nước thái bình, thịnh vượng, nhân dân no đủ, hạnh phúc.
Ký ức sâu đậm về Giỗ Tổ
Nhà tôi ở ngay Thậm Thình (xóm núi Thậm Thình - địa danh nổi tiếng, là tên cổ của khu 2 - phường Vân Phú, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày nay), sát Ðền Hùng. Cả thời thơ ấu, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu lần Giỗ Tổ. Ký ức trong tôi in rất đậm, mỗi năm đến ngày lại thấy rất nhớ và xúc động.
Tôi nhớ những năm 80 của thế kỷ 20, đường đến Ðền Hùng không được thuận lợi như bây giờ, nhưng hai ngả đường từ ga Việt Trì và ga Tiên Kiên đến ngày hội luôn ken đặc người. Ðông vui và trật tự lắm. Dân muôn phương mang theo cơm nắm muối vừng, lương khô, vật dụng không thể thiếu là tấm bạt, rồng rắn kéo về Ðền Hùng. Ðêm đến, những ngọn đồi của núi Nghĩa Lĩnh đầy người là người, trải tấm bạt ngủ. Ban ngày thì người dân chơi các trò chơi dân gian như thi vừa chạy vừa nấu cơm, cờ người, đấu vật, hát xoan… Trai gái thảy những đồng hào xuống Giếng Ngọc để cầu duyên, cầu may… Chính lễ là mồng Mười tháng Ba nhưng không khí hội hè thì diễn ra suốt cả mười ngày…
Ông NGUYỄN ANH TUẤN - thành viên Hội đồng hương Đất Tổ tại Bình Định kể
“Triệu đồng bào trong nước và ở nước ngoài cùng chung ý nguyện hướng về ngày Giỗ Tổ với niềm tự hào về những giá trị riêng biệt đã làm nên sức mạnh Việt Nam qua bao thời đại. Trong ngày Giỗ Tổ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO vinh danh) lại tiếp tục được trao truyền, nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ Việt Nam, vun đắp truyền thống đại đoàn kết và các giá trị Việt Nam trong thời đại mới” - ông Hà Kế San - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Đinh Dậu- 2017, khẳng định.
Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm Đinh Dậu - 2017 do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì, có sự tham gia góp giỗ của 4 tỉnh, TP: Hà Nội, Thái Bình, Bình Phước và Bến Tre. Lễ hội diễn ra trong 6 ngày, từ ngày 1 - 6.4 (tức mồng Năm đến mồng Mười, tháng Ba âm lịch), trung tâm tổ chức các hoạt động là Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và TP Việt Trì, với nhiều hoạt động phong phú. Nổi bật là: Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Đinh Dậu 2017 - chương trình chính, diễn ra 6 giờ 30 phút mồng Mười tháng Ba, truyền hình và phát thanh trực tiếp trên sóng của Đài PT-TH tỉnh Phú Thọ, Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ… (phần lễ); Trưng bày cổ vật Văn Lang và tư liệu ảnh, hiện vật về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xưa và nay”, Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ mở rộng, Chương trình “Hát Xoan làng cổ” và trưng bày tư liệu về di sản Hát Xoan Phú Thọ, Hội thi bơi Chải Việt Trì mở rộng, Hội Sách Đất Tổ, điểm nhấn là chương trình Lễ hội dân gian đường phố và chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ hội Đền Hùng năm 2017 - đã diễn ra tối mồng Năm… (phần hội).
Phụ nữ Phú Thọ chuẩn bị các tiết mục văn nghệ truyền thống để biểu diễn trong dịp gặp mặt đồng hương, kỷ niệm Giỗ Tổ quê mình.
“Mồng Mười tháng Ba” ở Bình Ðịnh
Ở tỉnh ta, ngoài trường THPT Hùng Vương (TP Quy Nhơn) - ngôi trường có truyền thống nhiều năm duy trì tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương bài bản, còn có một doanh nghiệp tư nhân rất quan tâm hưởng ứng Quốc giỗ. Năm nay là năm thứ 11 Công ty CP cơ điện và xây lắp Hùng Vương (gọi tắt là Công ty Hùng Vương, trụ sở tại Cụm công nghiệp Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) tổ chức Giỗ Tổ.
Nên ủng hộ, khuyến khích phong tục, tín ngưỡng tốt đẹp này
Tôn vinh Vua Hùng là tôn vinh người dựng nước. Khi nhân dân xem trọng sự nghiệp dựng nước, cũng có nghĩa là trong nhân dân bùng lên khát vọng, ý chí bảo vệ thành quả dựng nước ấy và ra sức đoàn kết, cống hiến làm cho đất nước giàu mạnh hơn. Càng có nhiều nơi, nhiều người nghĩ về giống nòi, đất nước, nhân dân, sức mạnh dân tộc càng có dịp lớn mạnh hơn. Trong tâm thức đồng bào ta, Giỗ Tổ Hùng Vương chính là biểu tượng cho cái đẹp, điều hay; mà đã là cái đẹp, điều hay tất nhiên lôi cuốn được nhiều nơi, nhiều người. Ðó là cơ sở để Quốc giỗ ngày càng lan tỏa, gần gũi trong đời sống người dân. Vì tác dụng, giá trị, ý nghĩa đối với quốc gia dân tộc và bản chất nhân văn của Giỗ Tổ Hùng Vương, tôi cho rằng, chính quyền rất nên ủng hộ, khuyến khích và người dân tự nguyện tham gia hưởng ứng phong tục, tín ngưỡng tốt đẹp này.
Ông VĂN TRỌNG HÙNG - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tại Bình Định
Một điều thú vị là, 11 năm trước, những người sáng lập Công ty đã chọn “Hùng Vương” làm tên và ngày mồng Mười tháng Ba âm lịch để thành lập doanh nghiệp này. Tự hào mang tên và gắn với mốc thời gian đặc biệt ấy, cộng với việc kinh doanh hanh thông, từ lãnh đạo đến người lao động Công ty đều rất mực trân quý, tự hào về “thương hiệu Hùng Vương” mà mình đang mang. Với cán bộ, công nhân công ty này, Giỗ Tổ là một ngày trọng đại, thật sự giàu ý nghĩa, thiêng liêng.
“Để đảm bảo tiến độ, một số ngày quốc lễ khác, công nhân vẫn làm, nhưng riêng ngày Giỗ Tổ- sinh nhật Công ty, lãnh đạo có chủ trương toàn bộ cán bộ, công nhân, ngay cả ở công trình xa, đều về dự. Công ty có chế độ hỗ trợ chi phí đi về cho người lao động ở xa cũng như tổ chức Quốc giỗ tại công trường nơi một số anh em bận trực hoặc vì nhiều lý do không thể về dự lễ ở Bình Định. Về đây, mọi người đến thắp hương bàn thờ Tổ, ôn lại truyền thống Công ty, động viên nhau ra sức lao động, sáng tạo…, toàn thể 220 cán bộ, người lao động của Công ty ai cũng hưởng ứng và thấm nhuần ý nghĩa ngày hội truyền thống này” - chị Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty Hùng Vương, cho biết.
Cũng thuộc phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn, có một khu phố đều đặn tổ chức Quốc giỗ đã hơn 10 năm qua. Đó là người dân ở tổ 7B và 7A, khu vực 1, với khoảng 40 hộ dân tham gia “góp giỗ”. Thời điểm được ấn định đúng ngày mồng Mười tháng Ba. Mỗi năm đến ngày, bà con tổ 7B, 7A lại nhộn nhịp chuẩn bị, đầy thành kính mà cũng rất lặng lẽ, khiêm nhường, hòa vào Quốc giỗ.
Ông Võ Văn Đức, người khởi xướng tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương ở nơi đây, cho biết: “Quê cũ chúng tôi - khu vực 8, phường Hải Cảng mấy chục năm qua làm Giỗ Tổ, di dời tái định cư về đây, nhiều bà con muốn giữ lại một truyền thống tốt đẹp. Vậy là thống nhất duy trì Giỗ Tổ hằng năm, mới đầu tưởng “nội bộ”, ai ngờ mỗi năm lại có thêm những hộ mới chuyển đến nhiệt tình đề nghị được góp giỗ! Không ai nói ra song đều ngầm hiểu, sự đồng lòng, quy tụ này xuất phát từ ý nghĩa thiêng liêng của ngày giỗ chung của dân tộc”.
Giỗ Tổ Hùng Vương- người dân ở khắp mọi miền đất nước và Kiều bào đều thành kính hướng về, trong đó những người con quê hương Vua Hùng lại càng sâu đậm hơn cả. Như thông lệ, năm nay, Hội đồng hương Đất Tổ tại Bình Định (gồm 2 tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc) lại tổ chức gặp mặt đồng hương, kỷ niệm ngày Giỗ Tổ. Ông Nguyễn Quang Chiến, Chủ tịch Hội đồng hương Đất Tổ tại Bình Định, chia sẻ: “Đây là dịp để 150 người con 2 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc sống tại nhiều địa phương trong tỉnh, gặp nhau trong tình đồng hương ấm áp, nghĩa tình. Ngoài trao đổi, bàn bạc xung quanh công tác của hội đồng hương, cảm xúc chung và lớn nhất trong chúng tôi là lòng tự hào về cội nguồn dân tộc, quê hương xứ sở và hạnh phúc vô cùng khi Quốc giỗ cũng như một số di sản văn hóa của Phú Thọ ngày càng được tôn vinh, phát huy giá trị”.
Hành hương về Ðền Hùng như một cách báo công lên tổ tiên
“Công ty có truyền thống đến Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm, đại diện lãnh đạo và một số cán bộ, công nhân có thành tích lao động xuất sắc trong năm cùng thực hiện chuyến “về nguồn” Ðền Hùng, như một cách báo công lên tổ tiên và thể hiện lòng thành, sự tri ân. Ý nguyện của lãnh đạo Công ty là cố gắng để mọi thành viên Công ty ai cũng có ít nhất một lần về Ðền Hùng, đây không phải là một chuyến du lịch đơn thuần. Trong sự lớn mạnh của Công ty, tôi đọc được trong lòng anh em một niềm tự hào cùng nguồn cảm hứng lao động lớn lao khi mang tên gọi thiêng liêng “Hùng Vương”.
Ông HÀ MINH OAN - Giám đốc Công ty Hùng Vương
SAO LY