Cùng “mở lòng” với trầm cảm
Ngày Sức khỏe Thế giới (7.4) năm nay tập trung vào chuyên ngành tâm thần với chủ đề “Trầm cảm - hãy cùng trò chuyện”. Thêm một lần nữa, trầm cảm - căn bệnh của thời hiện đại lại trở thành câu chuyện thời sự, thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Trầm cảm là bệnh lý của rối loạn cảm xúc, giảm khí sắc. Người bệnh luôn buồn rầu, giảm các thích thú trước đây, sút cân, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, giảm tập trung chú ý, giảm hoạt động. Nặng hơn nữa là thấy ý tưởng bị tội lỗi, không xứng đáng và dẫn tới hành vi tự sát. Nếu không được điều trị, bệnh thành mãn tính, trầm cảm nặng dẫn tới suy kiệt hoặc tử vong do tự sát.
Bệnh nhân trầm cảm cần được khám và điều trị ở cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Dễ nhầm với các bệnh khác
Cách đây gần 5 năm, ông N.B.A (64 tuổi, ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) bắt đầu có triệu chứng đau đầu, mất ngủ. Thời gian đầu, đêm ngủ được 3 tiếng, sau đó giảm dần rồi đến thức trắng đêm này qua đêm khác. Đi khám khắp các bệnh viện trong và ngoài tỉnh, uống đủ loại thuốc nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm; ông càng bần thần, bồn chồn, khó chịu trong người. “16 tuổi, thằng con thứ 2 của tui phát bệnh tâm thần phân liệt, nay nó đã 38 tuổi, ở Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn. Có lẽ cũng vì muộn phiền, lo lắng về chuyện của con mà tôi phát bệnh”, ông chia sẻ.
“Ðáng lo ngại là các bệnh nhân trầm cảm do bệnh lý như ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp… Ðôi khi, bệnh nhân không chết vì ung thư mà lại chết vì trầm cảm do không được phát hiện và can thiệp kịp thời”.
Bác sĩ NGUYỄN THỊ ĐỊNH, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh
Phải đến khi tìm đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh, ông mới được chẩn đoán chính xác là bị trầm cảm. Bác sĩ Ngô Lý Nam - Trưởng khoa III, cho biết, ông A. có nhiều biểu hiện lâm sàng của trầm cảm, như giảm thích thú và không hài lòng, giảm sự nỗ lực hoặc cố gắng, cảm giác mệt mỏi, mất đi sự ngon miệng… Cứ 3-4 tháng ông lại phải nhập viện một lần, mỗi đợt điều trị kéo dài cả tháng.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Nguyễn Thị Định, trầm cảm có đến 13 hình thái biểu hiện: trầm cảm suy nhược, trầm cảm vật vã, trầm cảm mất cảm giác tâm thần, trầm cảm với hoang tưởng buộc tội, trầm cảm loạn khí sắc, trầm cảm sững sờ, trầm cảm lo âu, trầm cảm với hoang tưởng mở rộng, trầm cảm paranoide, trầm cảm rối loạn cơ thể và thực vật, trầm cảm rối loạn cảm giác bản thể, trầm cảm ám ảnh, trầm cảm nghi bệnh.
“Đáng chú ý là phần lớn các trường hợp mắc trầm cảm đều không tìm đến bệnh viện chuyên khoa tâm thần ngay khi phát bệnh, số người như ông A. không phải là hiếm. Họ đi “lòng vòng” ở nhiều cơ sở điều trị, chủ yếu là ở hệ nội khoa, bởi các biểu hiện ban đầu của trầm cảm rất dễ nhầm sang các bệnh lý khác, như rối loạn thần kinh thực vật, tai biến…”, bác sĩ Định cho hay.
“Hãy cùng trò chuyện”
Không phải ngẫu nhiên mà khẩu hiệu này được đưa ra trong lúc trầm cảm đang có dấu hiệu gia tăng và ngày càng phổ biến. 30% số bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh có dấu hiệu của trầm cảm, nhưng trong đa số trường hợp bác sĩ chỉ kết luận là “suy nhược thần kinh” để tránh “điều tiếng” cho bệnh nhân. Dĩ nhiên, thuốc điều trị trầm cảm cũng được kê toa để điều trị cho bệnh nhân. Chỉ với các trường hợp nặng, bệnh nhân và người nhà mới được thông báo để sẵn sàng tuân thủ điều trị.
Điển hình là trường hợp 1 giảng viên đã ngoài 50 tuổi, phát bệnh đã gần 10 năm. Từng ấy thời gian gia đình ông như một địa ngục, không hề như vẻ hạnh phúc hào nhoáng bên ngoài. Ngoài giờ làm việc, người vợ cố gắng chu toàn việc nhà, chăm chồng con hết sức chu đáo, nhưng chẳng thể làm ông hài lòng. Bà cũng chẳng thể nào nhớ nổi lần cuối cùng “chuyện vợ chồng” diễn ra đã bao lâu. Ông luôn buồn bực, cáu bẳn, công việc sa sút, suốt ngày tìm đến rượu bia.
“Phải rất vất vả mới khiến ông thừa nhận mình bị trầm cảm và chấp nhận điều trị. Sau 2 tháng, tình hình khả quan, ông ấy ăn uống được. Tuy nhiên, do vẫn uống rượu thường xuyên, kết hợp với thuốc nên gây mệt, đến tháng thứ 3 thì bệnh nhân bỏ điều trị, quay trở lại với tình trạng ban đầu”, bác sĩ Định chia sẻ.
Bác sĩ Định lưu ý, người thân phải nắm vững các triệu chứng của trầm cảm để phát hiện sớm những biểu hiện bất thường, kịp thời đưa người bệnh đến khám ở các cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe tâm thần. Đồng thời, phải động viên, an ủi, nâng đỡ người bệnh, cho họ uống thuốc đều, đúng chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, ý thức thừa nhận bệnh tật, chủ động chia sẻ với người khác và tuân thủ chế độ điều trị của người bệnh cũng đóng vai trò quan trọng để đối phó hiệu quả với trầm cảm.
NGUYỄN VĂN TRANG
Trầm cảm do rất nhiều nguyên nhân tác động, nhưng nếu nguyên nhân phản ứng chính nằm trong nội tâm lý, tim và thay đổi được thì người bệnh sẽ khỏi, theo tôi trong vòng 1 tháng.