Tại sao một số nước châu Á lại lo ngại về cuộc gặp Mỹ - Trung?
Theo các nhà quan sát, một số quốc gia châu Á sẽ theo dõi sát sao cuộc hội đàm cấp cao giữa lãnh đạo Mỹ - Trung, để xem liệu vai trò đảm bảo an ninh khu vực của Mỹ có suy giảm hay không.
Ảnh CNN
Cuộc hội đàm lần đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra tại Florida (Mỹ) vào ngày 6.4 (giờ địa phương). Tại đây, hai nhà lãnh đạo dự kiến thảo luận về thương mại, tình hình Triều Tiên và hợp tác kinh tế.
Các nhà phân tích cho rằng, các nước châu Á lo ngại vai trò đầu tàu của Mỹ trong khu vực có thể bị đem ra “trao đổi”, nếu Trung Quốc nhượng bộ Mỹ về thương mại. Các nước châu Á cũng có thể buộc phải chọn đứng về phe nào, nếu quan hệ Mỹ - Trung xấu đi.
Rajeev Ranjan Chaturvedy, học giả tại Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói: “Mặc dù ít có hy vọng về một kết quả cụ thể từ cuộc hội đàm này, nhưng nó (cuộc gặp Mỹ - Trung) sẽ định hình kiến trúc an ninh và thương mại tại châu Á.”
Còn theo ông Lee Chih-horng, học giả tại Viện Phát triển và Chiến lược Longus (Singapore), nếu quan hệ Mỹ - Trung đổ vỡ, Singapore sẽ buộc phải chọn một bên và điều này sẽ là ác mộng đối với đảo quốc này.
Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời bày tỏ mong muốn thắt chặt quan hệ quân sự với Singapore.
Đối với Nhật Bản, quốc gia châu Á có hiệp ước an ninh với Mỹ và có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, cuộc hội đàm Mỹ - Trung lần này cũng có thể ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ đối với Tokyo. Giám đốc chương trình Nhật Bản tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington Yuki Tatsumi cho rằng, dưới thời Tổng thống Donald Trump, cách tiếp cận với mọi chính sách, bao gồm cả ngoại giao, dường như đều mang tính “trao đổi”.
Ngoài ra, cuộc gặp Mỹ - Trung diễn ra sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo. Vì vậy, các nhà phân tích Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cho rằng, Tokyo và Seoul lo ngại nhất là cam kết của Washington về bảo vệ các đồng minh trong khu vực khi khủng hoảng leo thang, và liệu Bắc Kinh có sẵn sàng nhượng bộ để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng hay không.
Lê Quảng (theo SCMP, Straits Times)