ADB hạ dự báo tăng trưởng châu Á xuống còn 5,7% trong năm 2017
Báo cáo mới nhất công bố hôm nay (6.4) của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của châu Á trong năm nay sẽ chậm lại do bất ổn chính sách kinh tế của một số nền kinh tế phát triển trong khu vực và tình trạng thất thoát vốn.
Theo ADB, hầu như toàn bộ các nền kinh tế ở Đông Nam Á đều đang đà tăng trưởng đi lên trong năm 2017 và 2018. Trong ảnh: Một trung tâm mua sắm sầm uất ở Kuala Lumpur.
Đây là mức tăng trưởng hàng năm thấp nhất của châu Á trong vòng 16 năm qua, kể từ khi đạt mức tăng trưởng 5% vào năm 2001.
Tuy vậy, bất chấp mức tăng trưởng thấp này, châu Á vẫn tiếp tục đóng vai trò là đầu tàu của kinh tế thế giới.
Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á năm 2017 của ADB cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á trong năm 2018 sẽ tiếp tục giữ ở mức 5,7%.
Theo ông Yasuyuki Sawada, chuyên gia kinh tế của ADB, châu Á đang đối mặt với nhiều rủi ro từ đường lối chính sách không ổn định của các nền kinh tế phát triển, bao gồm việc bình thường hóa tốc độ lãi suất từ Mỹ.
Những rủi ro ngắn hạn có thể kiểm soát được, song các nhà hoạch định chính sách của khu vực cần chú ý đối phó nguy cơ hiệu ứng tràn do chảy của vốn và sự dao động của tỷ lệ lãi suất.
Hồi giữa tháng 3 vừa qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng tỷ lệ lãi suất thêm 0,25% lên mức 1%. Đó là lần tăng lãi suất thứ hai trong vòng 3 tháng FED. Tuy nhiên, các quan chức của FEB dự báo cơ quan này có khả năng còn 2 lần điều chỉnh nữa trước cuối năm nay.
Trung Quốc, nước đang tái cân bằng nền kinh tế đất nước chuyển sang tăng trưởng bền vững dựa vào chi tiêu tiêu dùng, thay vì phụ thuộc vào thương mại và đầu tư, được dự báo đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm nay. Đây là mức dự báo cao hơn so với mức 6,4% đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái, song vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng 6,7% đạt được trong năm 2016.
Trong năm 2018, tăng trưởng Trung Quốc được dự báo tiếp tục chậm lại còn 6,2%.
ADB đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Ấn Độ trong năm 2017 còn 7,4%, từ mức 7,8%, và dự báo đạt 7,6% trong năm 2018.
Trong khi đó, cũng theo ADB, hầu như toàn bộ các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á đều có tăng trưởng đi lên. Khu vực này được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 4,8% trong năm nay và 5% trong năm 2018.
Các nền kinh tế ở Nam Á được dự báo tăng 7% trong năm 2017 và 7,2% năm 2018.
Nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng có thể là nguyên nhân đẩy tốc độ lạm phát tại châu Á lên 3% trong năm nay và 3,2% năm 2018.
Hồng Hà (Theo Reuters)