KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN (7.4.1907 - 7.4.2017):
Tổng Bí thư Lê Duẩn với quê hương Bình Ðịnh
Tổng Bí thư Lê Duẩn - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam - đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân và cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều kỷ niệm và nhiều tình cảm với Ðảng bộ và nhân dân Bình Ðịnh.
Những hiện vật đặc biệt
Theo lịch sử Đảng bộ TX An Nhơn, cuối tháng 7.1954, tại thôn Bá Canh, xã Đập Đá (nay là khu vực Bả Canh, phường Đập Đá) đã diễn ra một hội nghị quan trọng, do Khu ủy 5 triệu tập để nghe đồng chí Nguyễn Duy Trinh, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, từ Hà Nội vào truyền đạt Hiệp định Genève và chủ trương của Trung ương về chuyển hướng công tác ở miền Nam. Đồng chí Lê Duẩn (lúc đó là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ), lúc này đang ở Khu 5, đã về dự.
Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm nhà máy đóng tàu Ba Son, TP Hồ Chí Minh, ngày 19.3.1980. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Sau Hội nghị này, Tỉnh ủy Bình Định đã truyền đạt lại cho các huyện phía Nam như An Nhơn, Tuy Phước, Quy Nhơn, nội dung chủ trương gồm: Tuyên truyền giáo dục, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ thắng lợi của Hiệp định Genève, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng và Chính phủ; tổ chức và lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi thi hành Hiệp định. Lựa chọn, bố trí cán bộ, đảng viên ở lại hoạt động lãnh đạo phong trào; xây dựng lực lượng cốt cán để làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh trước mắt và lâu dài. Sắp xếp số cán bộ, đảng viên tập kết ra miền Bắc, vừa tham gia xây dựng miền Bắc, vừa chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho miền Nam sau này...
Khi về dự Hội nghị, đồng chí Lê Duẩn được bố trí ở nhà bà Tô Thị Cán (thôn Bá Canh, xã Đập Đá) và đồng chí đã nghỉ trên chiếc phản gỗ gõ, gối trên chiếc gối rơm do chính tay bà Cán khâu. Những hiện vật đặc biệt này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Ông Nguyễn Nhật Cát (68 tuổi), cháu gọi bà Tô Thị Cán bằng bác và hiện đang ở ngôi nhà mà đồng chí Lê Duẩn đến nghỉ vào năm 1954, cho biết: “Bác tôi chỉ có một con gái nên tôi được bác đưa về nuôi từ bé. Lúc đó tôi còn quá nhỏ, chỉ nhớ là có nhiều chú bộ đội về nhà bác tôi ở, các chú dạy tôi hát, cho kẹo. Mãi đến sau này, bác tôi mới kể lại vào năm 1954 có một vị khách đặc biệt đến ở tại nhà mình. Đến năm 1980, ngành văn hóa thông tin của tỉnh đến xin chuyển tấm phản và chiếc gối rơm về trưng bày tại Bảo tàng huyện, sau đó chuyển về Bảo tàng tỉnh thì tôi mới biết vị khách đặc biệt đó là Tổng Bí thư Lê Duẩn”. Rồi ông Cát tỏ vẻ tự hào: “Ngôi nhà xưa đã xuống cấp, phải xây dựng lại nhà mới, các hiện vật đã chuyển đi nhưng gia đình tôi rất vinh dự từng được đón đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn về nghỉ”.
“Anh Ba gửi lời thăm nhân dân Bình Ðịnh”
Một trong những người có công phát hiện ra sự kiện năm 1954, đồng chí Lê Duẩn về nghỉ tại nhà dân ở Đập Đá và đưa các hiện vật liên quan về trưng bày tại bảo tàng là ông Nguyễn Hữu Nhơn (76 tuổi, ở thôn Thuận Đức, xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn), nguyên Trưởng Ban bảo tồn, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện An Nhơn.
Ông Nhơn kể lại: Từ năm 1960 tôi đã tham gia cách mạng, đến năm 1964 thoát ly đi bộ đội. Trong quá trình chiến đấu từ năm 1965-1969, tôi bị thương nhiều lần, dù vậy vẫn nhất quyết xin ở lại Bình Định chiến đấu. Cuối năm 1969, cấp trên quyết định đưa tôi ra Bắc vừa điều trị, vừa cho học văn hóa và trong thời gian này tôi đã gặp đồng chí Lê Duẩn. Đó là vào khoảng đầu năm 1972, đại diện Cục Chính trị Quân khu 5 ra Bắc để rút số cán bộ từng bị thương được đưa đi an dưỡng, trở lại chiến trường. Tổng số cán bộ được tuyển chọn là 240 đồng chí, riêng Bình Định có 42 người. Chúng tôi được tập trung về Đồ Sơn (Hải Phòng) để tập huấn công tác Đảng, công tác chính trị và rèn luyện sức khỏe trước khi về. Trong đợt tập huấn này, đích thân đồng chí Lê Duẩn, lúc đó là Bí thư thứ Nhất Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đến huấn thị gần một ngày rưỡi. Trong lúc huấn thị, đồng chí Lê Duẩn cũng hỏi thăm tình hình của mọi người, khi nhắc đến đoàn Bình Định thì đồng chí Lê Duẩn nói ngay: “Bình Định có món bánh hỏi, thịt heo rất ngon, nhất là ở Đập Đá”, rồi nhắn gởi: “Các đồng chí về lại quê cho anh Ba (tên gọi thân mật của đồng chí Lê Duẩn - NV) gởi lời hỏi thăm nhân dân Bình Định”. Đồng chí cũng động viên anh em chúng tôi trở về quê hương làm nòng cốt để xây dựng phong trào đấu tranh giải phóng quê hương”.
Ông Nhơn chia sẻ, sau giải phóng, ông công tác ở Huyện đội An Nhơn, đến năm 1978 do sức khỏe yếu nên chuyển ngành, làm công tác bảo tồn. Và cũng từ đây, ông mới có dịp xâu chuỗi lại thông tin, đi sưu tầm những hiện vật gắn liền với sự kiện đồng chí Lê Duẩn đến Bình Định vào năm 1954.
Còn ông Nguyễn Hải Hồ (70 tuổi, ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn), nguyên Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh, cũng gặp đồng chí Lê Duẩn tại lớp tập huấn ở Đồ Sơn, thì nhớ lại: “Tại buổi tập huấn, đồng chí Lê Duẩn không những căn dặn chúng tôi trở lại quê hương quyết tâm chiến đấu để góp phần giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mà còn dành nhiều tình cảm đối với chúng tôi nên ai cũng xúc động”.
Tóm tắt tiểu sử đồng chí Lê Duẩn
- Ðồng chí Lê Duẩn sinh ngày 7.4.1907 ở làng Bích La, xã Triệu Ðông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; mất năm 1986.
- Năm 1926 - 1930: Tham gia phong trào yêu nước, trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Ðảng Cộng sản Ðông Dương.
- Năm 1931 - 1936: Bị thực dân Pháp bắt giam ở các nhà lao Hỏa Lò, Sơn La và Côn Ðảo.
- Năm 1937: Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.
- Năm 1939: Ðược cử vào Ban Thường vụ Trung ương Ðảng.
- Năm 1940 - 1945: Bị địch bắt và đày đi Côn Ðảo lần thứ hai.
- Năm 1946 - 1954: Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam.
- Năm 1954 - 1957: Lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam.
- Năm 1957 - 1960: Lãnh đạo công việc chung của Ðảng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Năm 1960 - 1975: Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Ðảng.
- Năm 1976 - 1986: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng.
- Ðại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII.
NGUYỄN PHÚC