Cải tạo mặt bằng kết hợp tận thu đất sét ở Vĩnh Thịnh (Vĩnh Thạnh): Dân bất bình, xã nói không biết
Một cá nhân lợi dụng việc cải tạo, san ủi mặt bằng tại khu gò Mương Làng ở thôn Vĩnh Thái, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Thạnh) để khai thác đất sét đem bán. Người dân địa phương phát hiện và rất bất bình, nhưng chính quyền xã cho rằng không hay biết(?).
Các hố sâu chưa kịp lấp phẳng tại khu vực gò Mương Làng.
Gọi điện đến báo Bình Định, người dân thôn Vĩnh Thái, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh phản ánh: Khu gò Mương Làng trước đây là nhà kho Đội 11 của thôn, sau đó được xây dựng lò sản xuất gạch của Hợp tác xã Vĩnh Thạnh đến đầu những năm 1990 thì ngừng hoạt động. Khu đất này bị bỏ trống từ đó cho đến nay và hiện do UBND xã Vĩnh Thịnh quản lý. Khoảng đầu năm 2017, Ban nhân dân thôn Vĩnh Thái tổ chức họp và thông báo với người dân chủ trương cải tạo khu đất này để làm nơi tập kết lúa tập trung và đã được người dân đồng tình. Tuy nhiên, do có người lợi dụng chủ trương cải tạo khu đất để múc đất sét, chở đi bán, nên họ rất bất bình.
Ông H., ở gần khu vực Mương Làng, thôn Vĩnh Thái, bức xúc nói: “Khu đất trước đây tương đối bằng phẳng, nếu cải tạo thì chỉ san ủi cây, cỏ và lớp đất mặt bên trên là được. Vậy mà họ dùng máy đào múc sâu xuống phía dưới 2 - 3m để lấy đất sét chở đi bán, sau đó chở cát, sỏi, đá vào lấp bằng những hố sâu đã đào. Rõ ràng, họ lợi dụng việc cải tạo, san ủi mặt bằng để khai thác đất sét. Việc làm này diễn ra liên tục trong thời gian dài, nhưng chẳng thấy thôn, xã kiểm tra, ngăn chặn”.
Sáng 4.4, chúng tôi đã về thôn Vĩnh Thái tìm hiểu vụ việc. Theo quan sát của chúng tôi, khu gò Mương Làng rộng khoảng 400 - 500m2, nằm lọt thỏm giữa cánh đồng lúa thôn Vĩnh Thái, hiện nham nhở đầy vết đào bới. Tuy 2/3 diện tích khu đất đã được san lấp phẳng bằng cát, sỏi, nhưng vẫn còn 3 hố sâu từ 2 - 3m, vết múc đất sét còn mới nguyên.
Trao đổi với PV, ông Mã Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, khẳng định: “Ban nhân dân thôn Vĩnh Thái có xin chủ trương cải tạo, san ủi mặt bằng khu gò Mương Làng. Việc này nhằm phục vụ cộng đồng nên UBND xã đồng ý cho làm. Xã đã giao toàn bộ việc cải tạo cho Ban nhân dân thôn thực hiện; thôn họp dân thông báo, sau đó hợp đồng với ông Trần Văn Thông (trú ở xã Vĩnh Thịnh) thi công. Họ chỉ cải tạo chứ làm gì có chuyện lấy đất sét đem bán như một số người dân phản ảnh. UBND xã cũng chưa nghe ai phản ánh”. Tuy nhiên, khi PV cho ông xem ảnh 3 hố sâu chụp tại khu gò Mương Làng vào sáng 4.4, ông Hùng nói: “Vậy là họ đã lén lút lấy trộm đất sét đem đi bán. Đây là việc làm vi phạm, nhưng do họ làm trộm, còn xã thiếu sót trong việc kiểm tra, giám sát nên không ngăn chặn kịp thời”.
Ông Hùng thành thật: “Việc cải tạo khu gò làm điểm tập kết lúa tập trung nhằm phục vụ bà con địa phương, hơn nữa khu gò có diện tích tương đối nhỏ nên UBND xã giao Ban nhân dân thôn làm chứ chưa báo cáo cho huyện. Sắp tới đây, UBND xã sẽ cử cán bộ chuyên môn kiểm tra, mời Ban nhân dân thôn Vĩnh Thái và ông Thông làm việc để có biện pháp xử lý theo quy định”.
Có thể thấy, dù bất cứ lý do gì, việc UBND xã Vĩnh Thịnh tự ý cho chủ trương cải tạo, san ủi đất nông nghiệp, rồi sau đó thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra tình trạng lấy đất sét bán là không đúng thẩm quyền và quy định. UBND xã Vĩnh Thịnh cần có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Bên cạnh đó, UBND huyện Vĩnh Thạnh và các phòng, ban chức năng liên quan cần sớm kiểm tra, xử lý vụ việc theo đúng quy định pháp luật.
VĂN LỰC